Những tấm bạt cũ ‘vòng đi, vòng lại’
(DNTO) - Những tấm bạt từng che mái hiên, từng làm biển quảng cáo sẽ không bao giờ nghĩ rằng chúng có thể trở thành những chiếc balo, túi xách thời trang, cho đến khi gặp Trần Kiều Anh.
Sự trở lại của những tấm bạt cũ
Một buổi đang ngồi cà phê với bạn, Trần Kiều Anh nhìn thấy một tấm bạt cũ bị vứt bỏ ngay cạnh thùng rác. Là một người trong ngành thiết kế, con mắt của Kiều Anh nhìn ra chúng vẫn còn quá đẹp và tốt, in ấn công phu mà bị bỏ đi thì rất uổng. Kiều Anh lấy về, nhờ em gái một người bạn may thử thành chiếc túi. Ý định của cô lúc đó rất ngẫu hứng, chỉ đơn giản là đem về may thành sản phẩm hữu dụng, không nghĩ tới việc sẽ mở rộng thành mô hình kinh doanh.
Thế nhưng, càng làm càng say, có một động lực nào đó thúc đẩy Kiều Anh phải làm cho sản phẩm chuyên nghiệp hơn, tinh tế hơn. Một số bạn bè của cô lúc đó cũng rất thích thú với các sản phẩm này và muốn mua chúng. Điều này khiến cô bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc kinh doanh. Cô bắt đầu thuê thợ may về, thiết kế chỉn chu hơn, cứ như vậy, thành thương hiệu Dòng Dòng Sài Gòn lúc nào không hay.
Ở Việt Nam, người ta sử dụng bạt ở khắp mọi nơi, mọi nhà, mọi cửa hàng, sự kiện. Lẽ ra, nguồn cung rất dồi dào. Nhưng do không có chỗ phân loại rác thải dành cho sản phẩm này về một mối, nên việc thu gom rất khó khăn. Sau vài năm, Kiều Anh cũng tìm ra vài thủ thuật thu gom những tấm bạt từ việc nắm được đầu mối thu gom bạt, tạo mối quan hệ với họ và thu mua lại.
Nhưng không phải tháng nào cũng thu được một lượng bạt ổn định. Số lượng thu gom thường lớn vào dịp cuối năm khi các cơ sở thay mới, tân trang cửa hàng. Cũng có tháng thu gom được rất ít, cũng có khi phải ráo riết săn lùng vì các công ty, khách hàng yêu thích một kiểu dáng, mẫu mã nào đó và họ đặt hàng với số lượng lớn. Dòng Dòng Sài Gòn phải tìm cách mở rộng nguồn thu gom.
“Ở Việt Nam cũng vẫn ít người làm giống chúng tôi nên khi nói chuyện với các đầu mối thu gom, họ cũng hợp tác để làm việc lâu năm với mình. Những người thu gom bạt chuyên nghiệp đến mức chỉ cần liếc qua là biết có thể tái sử dụng được hay không. Họ có thể ước lượng thông qua độ nặng nhẹ, khả năng phản ứng với sức gió thổi, độ giòn ở mức nào…Sau khi thẩm định bằng mắt, những người thu gom sẽ dùng tay hoặc lấy kéo cắt và xé một đường để kiểm tra”, cô nói.
Có những loại bạt không đủ mềm mại để may thành túi thời trang, Dòng Dòng Sài Gòn sẽ sử dụng để may thành túi giao hàng. Hay có miếng bạt không đủ để may thành sản phẩm với nhiều chi tiết thì cũng cố gắng biến chúng thành móc khóa.
“Cố gắng hạn chế hết mức có thể bạt thừa phải bỏ đi. Khi thu mua lại, chúng tôi cũng cố gắng lựa chọn những tấm bạt để có thể sử dụng tối đa. Tôi mong muốn có thể tái chế hết những tấm bạt cũ mình nhìn thấy nhưng do đặc thù sản phẩm nên cố gắng lựa chọn để không lãng phí lượng bạt thu về”, Kiều Anh chia sẻ.
Marketing kiểu truyền miệng
Hiện tại, mỗi tháng Dòng Dòng Sài Gòn tái chế 250-300 tấn bạt. Tùy theo độ nặng nhẹ của loại bạt, mỗi kg sẽ có 2-3 m2 bạt.
Tỷ lệ % nguyên liệu tái chế từ bạt chiếm 60-70% trong sản phẩm balo, túi xách. Còn lại là phụ liệu như vải lót, khoen cài, dây đai…. Nhà sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn cho biết đang nghiên cứu để vải lót có thể sử dụng sản phẩm nhựa tái chế để nâng tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên cao hơn.
Giá sản phẩm ví nhỏ tại Dòng Dòng Sài Gòn khoảng 150.000/sản phẩm; balo chống sốc đựng được laptop gần 900.000 đồng/sản phẩm, các sản phẩm khác như túi xách thời thời cần độ tinh tế cao hơn giá đắt hơn.
Kiều Anh chia sẻ, sản phẩm thời trang có vô vàn mức giá khác nhau. Với sản phẩm sản xuất hàng loạt, giá một chiếc túi xách, balo có thể chỉ từ 150-200.000 đồng. Nhưng một chiếc túi hàng hiệu có thể lên tới vài chục triệu đồng. Việc thẩm định giá trị của sản phẩm thời trang phụ thuộc vào cách người mua nhìn nhận về sản phẩm.
Là một thương hiệu trẻ, Dòng Dòng Sài Gòn cho biết muốn nói chuyện với những người hiểu được giá trị sản phẩm của mình, thì phải tìm hiểu xem họ trân trọng điều gì. Khách hàng của thương hiệu thường là những người có nhu cầu sản phẩm dành cho đi học, đi làm, cần sự nghiêm túc chỉn chu nhưng cũng phải thể hiện được cá tính riêng. Ví dụ những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, truyền thông, thời trang…
“Có những chiếc túi chỉ có một trên đời, nên khi họ mang chiếc túi Dòng Dòng, họ thích nói về nó. Nó khác với các chiếc túi ở đâu cũng mua được. Bên cạnh đó, những người trẻ hiện nay cũng rất quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa”, nữ founder cho biết.
Là một dự án tái chế đồ cũ, tạo cuộc đời mới cho rác thải, nhưng thực tế sau một năm xây dựng thương hiệu này, Kiều Anh cũng nhận ra một mấu chốt rằng khách hàng lựa chọn một sản phẩm chủ yếu là chất lượng và mẫu mã, còn yếu tố bảo vệ môi trường tác động rất ít.
Lúc mới bắt đầu, Kiều Anh chỉ nghĩ theo cách nghĩ của mình, biến một thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu dụng. Cô nghĩ rằng đây sẽ là câu chuyện hay và nhiều người thích thú. Nhưng không, khi nói về vấn đề môi trường, giảm thiểu rác thải thì ai cũng ủng hộ, nhưng để biến nó thành hành động và để người tiêu dùng móc hầu bao là câu chuyện rất dài. Vì mọi người ưu tiên sự tiện lợi, không ảnh hưởng quá nhiều chất lượng cuộc sống của họ. Do đó, khi quảng bá sản phẩm, yếu tố môi trường chỉ là một trong những lý do mà thương hiệu thuyết phục khách hàng.
“Có nhiều người họ mua túi không phải vì môi trường, mà họ muốn sở hữu sản phẩm độc bản, hoặc đơn thuần là có thể chống nước mưa. Dù họ mua vì lý do gì cũng được, miễn sao họ thấy vui và họ muốn nói về sản phẩm là chúng tôi đã thành công. Chứ không thể nào thuyết phục họ rằng mua túi để cứu trái đất, như vậy khá xa vời”, Kiều Anh bày tỏ.