Người đàn ông hô biến 600 tấn nhựa ve chai mỗi tháng thành nội thất

(DNTO) - Hành trình “biến rác thành vàng” không chỉ mang lại cơ hội cho một doanh nghiệp, cho người dùng, mà còn giảm tải gánh nặng cho môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Ông Đỗ Anh Dũng là người tiên phong đưa tấm coppa tái chế từ rác thải nhựa vào ngành xây dựng. Ảnh: T.L.
Thêm 30 năm tuổi đời cho những chai nhựa
Tại Vietbuild 2024 - triển lãm chuyên ngành về xây dựng được tổ chức vừa qua, gian hàng 1041 của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Đô thu hút nhiều chủ thầu, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư. Tại đây, những tấm nhựa ECo, được tái chế từ vỏ chai nhựa đã được trình làng, với hi vọng sẽ thay thế các tấm nhựa truyền thống hay các loại vật liệu như gỗ để đưa vào công trình xây dựng.
Ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Đô cho biết những năm 2016, công ty chỉ tập trung vào việc liên kết và sản xuất tấm ván ép coppha phủ keo, phủ phim với nguyên liệu là gỗ cây sao su, điều, tràm, keo hiện có nhiều ở Việt Nam, sản phẩm làm ra có giá thành rẻ đáp ứng được nhu cầu của các nhà thầu.
Tuy nhiên ván ép coppha phủ phim có số lần luân chuyển sử dụng thấp, dễ dàng bị bong tróc, tách lớp, và nấm mốc, nhất là rất khó bảo quản trong mùa mưa. Sau khi hư hỏng, sản phẩm cũng không được tái chế nên tạo ra lượng rác rất lớn và độc hại vì có chứa hóa chất Melamine hoặc Phenolic (dùng làm lớp phim bề mặt và keo liên kết) với hàm lượng khoảng 8-10% trọng lượng.
Đồng thời một số nước đã hạn chế trồng các loại cây kể trên dùng làm nguyên liệu sản xuất do chúng là loại cây thân xốp nên hút nước rất lớn.

Những chai nhựa tái sinh thành tấm vật liệu mới, tiếp tục vòng đời mới. Ảnh: T.L.
Những băn khoăn này đã thúc đẩy vị giám đốc sau gần 20 năm khởi nghiệp lại tiếp tục khởi nghiệp. Nhận thấy rác thải nhựa đang trở thành mối quan tâm toàn xã hội, trong khi đó đây là nguồn nguyên liệu dễ chế biến để tạo ra các dạng đồ dùng khác nhau, ông Dũng bắt tay vào việc nghiên cứu chuyển đổi việc sử dụng gỗ sang nhựa để sản xuất coppa.
Năm 2018 công ty này đưa vào sản xuất giai đoạn 1 nhà máy sản xuất coppha Vision tại Long An. Coppha nhựa rỗng đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam ra mắt thị trường trong cùng năm đó.
Cấu trúc rỗng này giúp coppha nhựa Eco tối ưu hóa khả năng chịu lực, giảm chi phí nguyên liệu và tạo ra những ưu thế vượt trội so với các loại copha truyền thống như độ bền cao (trên 35 lần sử dụng), sử dụng được cả 2 mặt láng mịn như nhau, chi phí sử dụng thấp, dễ bảo quản, dễ định hình cho những thiết kế phức tạp, trọng lượng nhẹ giúp an toàn và rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí vận chuyển, dễ dàng kết hợp với các loại coppha khác như làm bề mặt cho coppha nhôm, coppha sắt, và hơn hết là sử dụng chung với ván ép phủ phim.
“Một chai nước sẽ kết thúc khi người dùng uống hết nước trong chai đó. Nhưng chúng tôi có thể kéo dài vòng đời cho sản phẩm tưởng chừng phải bỏ đi đó không dưới 30 năm”, ông Dũng chia sẻ.
Để khách hàng tự tin nói rằng: ‘Tôi sử dụng sản phẩm không gây rác thải ra môi trường’

Các tấm Eco với nguyên liệu rác thải nhựa đã thay thế vật liệu truyền thống trong các công trình xây dựng. Ảnh: T.L.
Thời gian đầu, công ty cũng gặp vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Nhưng không phải không có nguyên liệu, mà do công ty chủ quan ở khâu thu gom, dẫn đến thiếu vật liệu nhựa cần thiết. Để khắc phục, ông Dũng lên phương án tổ chức mạng lưới thu gom, kết hợp với các địa điểm thu gom ve chai để đưa về cơ sở công ty sơ chế.
Chưa kể, do sản phẩm mới nên giá thành ban đầu còn cao, bởi công ty chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thu gom, bán hàng, tổ chức hệ thống phân phối, công nghệ sản xuất... Tuy nhiên, ông Dũng tin tưởng rằng nhựa là nguồn nguyên liệu ngày càng gia tăng nên có thể bù đắp cho giá thành. Dần dần, việc cải tiến công nghệ, quản trị tốt chuỗi cung ứng và bán hàng giúp sản phẩm giảm tới 40% giá thành so với trước.
“Mục tiêu của công ty ở thời điểm hiện tại chưa phải lợi nhuận mà là số lượng sản phẩm có thể tung ra thị trường. Điều này giúp nhà máy có thể mở rộng và gia tăng sản lượng”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, muốn gia tăng sản lượng sản xuất để hạ giá thành thì phải tăng lượng khách hàng sử dụng. Muốn vậy trước hết phải tiếp cận với các nhà bán hàng, là các cửa hàng vật liệu xây dựng cho đến tìm cách thuyết phục các nhà thầu, nhà đầu tư.
“Chúng tôi thuyết phục khách hàng bằng ưu điểm của sản phẩm. Về kĩ thuật, các công ty xây dựng đều giống nhau, nên họ phải cạnh tranh bằng sự khác biệt bằng việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, có tác động xã hội. Chúng tôi giúp họ tự tin nói rằng: ‘Tôi sử dụng sản phẩm không gây rác thải ra môi trường’.
Công ty cũng cam kết mua lại sản phẩm của công ty sau khi khách hàng không sử dụng, với giá 20% giá trị sản phẩm mới. Lúc đó, chúng tôi sẽ vừa có nguồn nguyên liệu trở lại và tiếp tục gia tăng vòng đời cho sản phẩm. Đó là cam kết chúng tôi đặt ra ngay từ đầu”, ông Dũng nói.
Ở giai đoạn đầu, mỗi ngày công ty xử lý 20-25 tấn rác thải nhựa, tương đương mỗi tháng xử lý khoảng 600 tấn. Số lượng thành phẩm công ty có thể đưa ra thị trường khoảng 30.000 tấm/tháng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm coppa thay tấm phủ phim, các tấm nhựa Eco đang được ứng dụng rộng rãi để làm trần vách thay tấm thạch cao, làm khu vui chơi, hồ câu cá, văn phòng di dộng, lót sàn nhà nuôi yến, làm sàn sân khấu sự kiện, làm nhà nổi...
Vị giám đốc tự tin nói rằng không ngại cạnh tranh với các công ty khác vì Đông Đô có điểm riêng biệt. “Với các đơn vị khác, họ mua hạt nhựa có sẵn về sử dụng. Đông Đô tổ chức thu gom từ nguồn, đặt hàng sản lượng, số lượng cụ thể từ các vựa ve chai. Như vậy, chúng tôi có quy trình chế biến sâu hơn”.