Chuyên gia: Không gian tài khóa hiện nay vẫn đủ mạnh để thúc đẩy nội lực nền kinh tế
(DNTO) - Trước thực trạng tổng cầu vẫn có xu hướng giảm, chuyên gia cho rằng những kết quả tích lũy được từ giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công trong những năm qua cần được coi là “dư địa” cho việc mở rộng tài khóa trong bối cảnh hiện nay để tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Thúc đẩy tổng cầu là một vấn đề đã được khuyến nghị trong nhiều báo cáo gần đây. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn, tổng cầu vẫn có xu hướng giảm. Lý giải, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, yếu tố cầu của nền kinh tế khó khăn nên hấp thụ vốn của các khu vực trong nền kinh tế suy giảm.
Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại dù nỗ lực cải thiện song bộ đệm an toàn vốn vẫn ở mức tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế và các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, về chất lượng tài sản, do khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng nên tỷ lệ nợ xấu gia tăng ở hầu hết các nhóm nợ. Nợ nội bảng ở mức gần 5% phản ánh những khó khăn của nền kinh tế đang có dấu hiệu lây nhiễm sang khu vực tài chính tiền tệ.
"Sự mất cân đối về kỳ hạn là nút thắt lớn. Tiền gửi ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đang ở mức gần 50%", ông Thành lưu ý.
Chúng ta cũng thấy, năm 2024 những biến động từ bên ngoài còn mạnh mẽ hơn so với năm 2023. Do vậy khả năng tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng. Theo đó, các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn. Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, các chính sách phải "cởi trói" để sản xuất kinh doanh bung ra, phục vụ ưu tiên cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.
Nhìn lại những kết quả tích lũy được từ giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công trong những năm qua cần được coi là dư địa cho việc mở rộng tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 110,1% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 102,5% dự toán.
Về thu ngân sách từ xuất nhập khẩu, lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 715 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng thặng dư 24,31 tỷ USD. Về số thu từ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 11 tháng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ứớc tính, tổng thu ngân sách nội địa cả năm 2024 có thể sẽ vượt trên 220.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 15%.
"Nguồn lực tài khóa dồi dào, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, hướng tới hoàn thành các mục tiêu của năm 2025", bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định.
Rõ ràng, việc thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp các khoản thu 3 quý đầu năm 2024 đã trở thành một sự hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT còn giúp tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, tiêu dùng cuối cùng có sự phục hồi tích cực hơn, tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế.
Để tiếp tục thúc đẩy tổng cầu, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp tài khóa cho năm 2025 như đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong cả năm 2025. Tổng quy mô 2 gói giảm thuế này lên đến gần 70 nghìn tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm tới.
"Để kích thích tiêu dùng trong nước, Việt Nam nên tham khảo một số chính sách từ các quốc gia lân cận, như việc Thái Lan áp dụng chính sách miễn thị thực kéo dài từ đầu tháng 5/2024 thêm 6 tháng, rồi kế hoạch tài trợ 122 tỷ bart cho chương trình ví điện tử của nước này; hay chính quyền các địa phương Trung Quốc đang triển khai nhanh việc phát hành trái phiếu nhằm rót vốn vào các dự án hạ tầng", các chuyên gia cho hay.
Đáng chú ý, theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), để tiếp tục củng cố nội lực cho doanh nghiệp, tạo bước đệm tăng trưởng bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Đó là chưa kể, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng “một” điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,1-0,12 điểm phần trăm. Đó là lý do vì sao Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nhận định, hiệu quả từ giải ngân vốn đầu tư công đã thúc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam như sắt thép, xi măng, VLXD… góp phần đóng góp chung vào tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Tăng tốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ tiếp tục là kênh kích thích tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, xây dựng trong nước.
"Thực tế, các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả giao thông vận tải hay về năng lượng và nhiều dự án khác không chỉ đơn thuần nằm ở con đường hay đường dây điện, mà nó sẽ trực tiếp hỗ trợ cho sản xuất, và qua đó là hỗ trợ cho phát triển thị trường. Cho nên đầu tư công về tổng thể đã giúp ích rất nhiều cho sản xuất, kinh doanh", ông Sơn bày tỏ.
Nêu quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, để "hấp thụ" tối ưu cũng cần tái cấu trúc. “Ở đây không chỉ dừng lại giữa việc phân bổ đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung vốn, mà có lẽ phải nghĩ đến chính sách tài khóa của Chính phủ hỗ trợ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc tổng cầu và cung, nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn”.