Hơn 40% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên
(DNTO) - Dù còn nhiều bấp bênh, song GDP tăng 6,42%, gần 80.000 doanh nghiệp thành lập mới..., là những con số khá lạc quan cho nửa chặng đường kinh tế chúng ta đi qua. Đặc biệt, có 40,7% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2024.
GDP tăng tới 6,93% nhờ lực đẩy từ công nghiệp và bán lẻ
6 tháng đầu năm, kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu là sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã minh chứng mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là cơ sở thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.
Số liệu đáng chú ý được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 29/6, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 tăng khá, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế khi đạt 6,93% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Kết quả này nhờ "lực kéo" từ ngành công nghiệp và bán lẻ đã đóng góp tỷ trọng lớn trong mức tăng trưởng GDP quý 2.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2024, cho thấy, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Đáng chú ý, tổng cầu đầu tư của nền kinh tế đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tích luỹ tài sản phản ánh năng lực và triển vọng phát triển sản xuất của nền kinh tế tăng 6,72%, cao hơn 5,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển mình thành nước xuất siêu. Kết quả 63,24 tỷ USD đạt được trong tháng 6 đã nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước 6 tháng năm 2024 lên con số 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,3 tỷ USD.
Ghi nhận có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 50,2%). Nếu duy trì được mức xuất khẩu này trong nửa cuối năm 2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước đạt 380,16 tỷ USD, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022.
"Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh về lượng và chất, là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định trong thời gian qua, đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu đã khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, hình thành "xung lực" mới, đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù số doanh nghiệp ngừng kinh doanh vẫn tăng song đáng chú ý là con số này đã thấp hơn đáng kể so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường (hơn 9 nghìn doanh nghiệp). Như vậy, sau tháng 5/2024 “lịch sử” khi Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lần đầu tiên ghi nhận doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt qua doanh nghiệp ngừng kinh doanh thì tháng 6/2024, khoảng chênh lệch này đã được nới rộng hơn (5 tháng là 1,5 nghìn doanh nghiệp).
Kiến tạo lực đẩy, phát huy tối đa động lực đầu tư công
Với kết quả tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm, rõ ràng, để tốc độ tăng GDP cả năm 2024 đạt 6,0% -6,5% đòi hỏi tốc độ tăng GDP của 2 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,5% đây là mức tăng không dễ có thể đạt được khi thực tế khu vực dịch vụ đang tăng chậm lại do các hộ gia đình vẫn khó khăn về tài chính.
Đặc biệt tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD biến động khó lường. Trong hai tuần cuối tháng 6/2024, chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế có xu hướng mạnh lên đạt mức 105,65 điểm. Thêm nữa, tỷ giá hối đoái có thể gia tăng thêm trong quý III năm nay khi cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vào cuối năm.
Hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của nước ta phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Xuất siêu của nền kinh tế dựa vào khu vực FDI, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu.
Điều này phản ánh hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc, những bất ổn kinh tế và điều chỉnh chính sách thương mại để hạn chế thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá của các đối tác thương mại quan trọng này.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2% để kích thích người tiêu dùng.
"Tôi cho rằng, đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế. Để thúc đẩy tối đa giải ngân đầu tư công, các "nút thắt" về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư cần phải đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2024", bà Hương nhấn mạnh.
Cùng với thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn FDI, cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước có hạn chế rất lớn về nguồn vốn, kỹ năng quản trị... Chính phủ cần kích hoạt lại, khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.