Doanh nghiệp cần có kịch bản ứng biến hợp lý để sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai
(DNTO) - Các động lực tăng trưởng kinh tế đang phục hồi, nhưng không đồng đều, các chuyên gia cho rằng, thị trường và thể chế là 2 biến số ở thời điểm hiện tại. Để ứng biến, doanh nghiệp cần bám sát, có kịch bản sớm từ khi các đạo luật còn là dự thảo đến khi thông qua.
Linh hoạt phản ứng chính sách
Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, tại "Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, chiều 6/6, Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, cho rằng: Sức cầu tiêu dùng phục hồi nhưng chi tiêu còn ít. Tín dụng hiện nay mới đạt 2,41%, thấp hơn so với mức 3,27% cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường bất động sản, chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập… Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.
"Các vấn đề pháp lý, nghĩa vụ tài chính và áp lực chi phí, chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều dẫn tới yếu tố tăng trưởng không bền vững và biên lợi nhuận ít. Trong khi đó, vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng, tiêu dùng tăng trưởng thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm và thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…. còn chậm ban hành", ông Lực nhận định.
Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến niềm tin của thị trường; sự e ngại, thận trọng của xã hội, thậm chí là tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…
“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế trước biến động của thị trường là rất lớn. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch 2024, ông Phương, cho rằng, cần tiếp tục làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Khơi thông thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính và tiền tệ… cũng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt. Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…
"Đặc biệt là quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Chúng ta cần cải thiện yếu tố đầu vào, hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp", ông Phương nhấn mạnh.
"Xoay trục" theo thể chế
Cho rằng các biến số ở thời điểm hiện tại là thị trường và thể chế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thông điệp điều hành kinh tế, xã hội năm 2024 đã rất khác so với năm ngoái. Năm 2023 ưu tiên kiểm soát kinh tế vĩ mô, kết hợp chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ hợp lý. Còn năm 2024 cách điều hành ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phân tích cụ thể, ông Hiếu cho rằng, hiện thị trường đã có diến biến khác hơn, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong thị trường trong nước và thị trường nước ngoài trở nên gay gắt hơn. Trước đây doanh nghiệp có sẵn thị trường tiêu dùng, khi thị trường phục hồi sẽ sớm giành lại thị phần. Nhưng hiện nay cạnh tranh cao, có rất nhiều đối thủ tham gia tái chiếm thị trường, doanh nghiệp áp lực hơn.
Cùng với đó là sự phát triển của khoa học công nghệ, hành vi người tiêu dùng thay đổi, khó đoán. Ông Hiếu dẫn ví dụ, xe điện được xem là xu hướng chủ lực chi phối trong tương lai, nhưng mới đây 3 doanh nghiệp Nhật Bản hợp lực phát triển động cơ đốt trong không phát thải carbon là yếu tố đáng chú ý. Thị trường xe thân thiện môi trường sẽ có yếu tố cạnh tranh cao hơn.
Đối với thể chế, theo ông Hiếu, Chính phủ hiện đang rất quyết liệt trong việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước giảm câu chuyện "một cửa nhiều ngách". Trong năm qua, nhiều luật được ban hành, trong đó, 4 luật quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang được dự kiến đẩy sớm lên trước 5 tháng.
Ngoài 4 Luật "đinh", ông Hiếu cho biết thêm, tại kỳ họp Quốc hội lần này còn có nhiều đạo luật mới như Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô, Luật Giao thông đường bộ…, có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và doanh nghiệp. Do đó, với sự thay đổi này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và có chiến lược phù hợp bởi các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh có liên quan.
"Việc của các doanh nghiệp là phải chuẩn bị các kịch bản ứng biến hợp lý. Đồng thời, cũng cần thay đổi về cách tiếp cận trong "vạn biến" với tâm thế chủ động và chấp nhận cuộc chơi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai.