Để tăng trưởng tín dụng quý 2 ở mức 5-6%, 'chìa khóa' vẫn nằm ở sức cầu về vốn và lãi suất
(DNTO) - Bất chấp hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi được triển khai, tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2024 đến nay vẫn rất khiêm tốn. Các chuyên gia đánh giá, để thúc tín dụng đạt 5-6% trong quý 2, sức cầu về vốn và lãi suất cần thực chất hơn nữa để doanh nghiệp có thể thẩm thấu.
Nhu cầu vốn để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp không phải không có. Nhưng nhiều khó khăn cứ lặp đi lặp lại khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khó vay dù ngân hàng dư vốn. Theo đó, với các doanh nghiệp có tài sản cố định như nhà xưởng thì có thể mang tài sản đó ra thế chấp để vay vốn. Nhưng với những doanh nghiệp mà nhà xưởng là đi thuê, không có tài sản cố định để thế chấp, máy móc khấu hao đem thế chấp cũng không vay được là bao.
Tình trạng khát vốn nhưng khó tiếp cận tín dụng của các ngân hàng không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào. Thực tế, việc khó tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn đến từ nhiều phía, không chỉ riêng vấn đề tài sản đảm bảo. Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho rằng, ngân hàng luôn mong muốn tài trợ cho các khách hàng doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch.
Tuy nhiên tại phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME hoặc phân khúc siêu nhỏ tại Việt Nam, khả năng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nói chung còn rất hạn chế. Do đó dẫn đến việc các tổ chức tín dụng thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo khi xem xét cấp tín dụng. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp SME thường là vốn ngắn hạn nên quy trình phê duyệt của các ngân hàng nếu không được đẩy nhanh sẽ làm trôi mất thời điểm doanh nghiệp cần vốn, cung - cầu khó gặp nhau.
Đó là nghịch lý dẫn đến dù nguồn vốn đang dồi dào nhưng sức hấp thụ của doanh nghiệp và nền kinh tế còn rất yếu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 29/3 đến 10/5 (42 ngày), tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3, và vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Điểm nghẽn sức cầu về vốn và lãi suất
Các chuyên gia đánh giá, để thúc tín dụng tăng tốc hơn trong thời gian tới, mấu chốt vẫn nằm ở sức cầu về vốn và lãi suất. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khẳng định, chính sách tiền tệ tín dụng cũng như môi trường kinh doanh tương đối tốt. Tác động để khơi thông dòng vốn là tác động vào các yếu tố động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt từ đó cải thiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế thì sẽ tác động ngược tới tăng trưởng tín dụng.
“Biểu hiện định lượng nhất về tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2024 với những nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, đã có những chuyển biến tích cực, dòng tiền đã thuận lợi thì tín dụng ở những nhóm ngành này cũng tăng trưởng", ông Lệnh chia sẻ.
Mới đây, giải trình tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãnh đạo Chính phủ thời gian vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Theo đó, để đẩy mạnh tín dụng hướng tới mục tiêu tăng trưởng 15%, ngày 30/5, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hướng dòng vốn tín dụng ưu tiên các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Đặc biệt, nhấn mạnh không để tình trạng doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà bị ngân hàng quay lưng rót vốn…Hiện, một số đầu tàu kinh tế lớn cũng đang thúc đẩy hàng loạt chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tạo lực kéo tín dụng. Như tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã giải ngân hơn 200 nghìn tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
"Với mức lãi suất cho vay thấp hơn 1-2% so với mức cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại, hoàn toàn đáp ứng tốt cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh", Thống đốc cho hay.
Dự báo, tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng lạc quan hơn nữa trong thời gian tới. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, với kết quả như hiện nay thì ít nhất trong một tháng phải tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần mới đạt yêu cầu đến hết quý 2 tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% theo kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn của ngành ngân hàng và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.
"Ngoài hỗ trợ "đinh" từ lãi suất, các doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược cụ thể ứng biến với những kịch bản khác nhau, kịch bản đó dựa trên những giả định về lãi suất, về tình hình kết quả kinh doanh. Những giả định đó cũng phải dựa trên những thay đổi về tỷ giá và những thay đổi về vấn đề nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán", Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.