Kiệt quệ về vốn, doanh nghiệp SME ngóng ngân hàng nới cho vay tín chấp lên 30%
(DNTO) - "Hiện mức cho vay tín chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở các ngành nghề ưu tiên đang chỉ chiếm 10-15%, theo đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới mức vay tín chấp cho doanh nghiệp nâng lên 30% mới là phù hợp", Phó Chủ tịch HanoiSME đề xuất.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) trong quý 1/2024, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, cùng với đó là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo nghị định 31. Tuy nhiên, tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
"Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50 - 60%. Phần lớn các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn là những doanh nghiệp mới thành lập, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế và hiện chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại, nợ đến hạn", HUBA cho hay.
Chưa kể, việc thẩm định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… càng bồi thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số này còn thấp hơn cả mức đáy trước đây là giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2012 - 2013.
Trong đó, 57,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều doanh nghiệp với 49% trong khảo sát 2023 và đứng thứ hai trong số 14 khó khăn cụ thể của doanh nghiệp. Đáng chú ý, doanh nghiệp càng nhỏ càng bi quan về triển vọng sản xuất kinh doanh.
Từ các phân tích trên, hơn lúc nào hết, 2024 là năm phải đưa ra những hỗ trợ đồng hành để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. HUBA cho rằng chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Tức doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây "khó khăn kép" cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua. Ngoài ra kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thay thế việc hỗ trợ 2%/năm lãi suất ngân hàng bằng các hình thức khác thiết thực hơn.
Nêu thêm kiến nghị, tại Họp báo công bố Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2024, chiều 15/5, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HanoiSME), nêu rõ: Các doanh nghiệp HanoiSME đang tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp trên 40% GDP cho Thành phố. Song, mức cho vay tín chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các ngành nghề ưu tiên đang chỉ chiếm 10-15%, theo đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới mức vay tín chấp cho doanh nghiệp nâng lên 30% mới là phù hợp.
Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy, chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 đến 4 năm. "Có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tín chấp và kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt được điểm xếp hạng tín nhiệm phù hợp để đi vay hoặc nhận bảo lãnh từ quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác”.
Đồng thời, để tăng khả năng tiếp cận vốn, Phó chủ tịch HanoiSME đề xuất các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp "mềm mỏng" hơn như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhận định thời gian qua các doanh nghiệp SME được hưởng lợi rất lớn từ chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp như giảm thuế VAT, giảm lãi suất...
"Cách đây khoảng 1 năm, doanh nghiệp phải vay lãi suất 11-13% nhưng đến nay chỉ phải vay với mức 8-9%/năm. Chúng tôi đề xuất kéo dài các chính sách hỗ trợ này đến cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp", Phó chủ tịch HanoiSME đề xuất.