Cần tăng vốn chủ sở hữu để khơi thông dòng tiền, nâng cao nội lực cho doanh nghiệp bất động sản
(DNTO) - Dòng tiền doanh nghiệp đã "trơn tru" hơn trong những tháng đầu năm 2024, nhưng vẫn đối diện với thách thức về thanh khoản và áp lực huy động vốn mới. Để giải bài toán huy động vốn bền vững đòi hỏi doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để gia cố nội lực
Lãi suất thấp, dòng tiền vào bất động sản phục hồi
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản và những xu hướng mới của Batdongsan.com.vn đã phác thảo những định hình về các xu hướng đầu tư trong năm 2024. Trong đó, kênh đầu tư bất động sản được nhận định vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi có 65% đáp viên có kế hoạch mua bất động sản trong năm 2024. Trong đó, 60% mua với mục đích đầu tư.
Thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại, mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến người mua mạnh dạn giải ngân hơn trong bối cảnh Chính phủ cho phép các dự án tái khởi động. Khi Nghị định 08 cho phép giãn nợ thêm 2 năm, cũng như các hoạt động hỗ trợ cơ cấu nợ từ phía Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động phát hành cổ phiếu, bán tài sản, giảm đòn bẩy nợ bên cạnh việc thu hút dòng vốn tín dụng nhiều hơn từ cuối năm ngoái đến nay. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) "dù chậm nhưng dòng tiền đã quay trở lại và điểm tồi tệ nhất của thị trường đã qua".
Là đơn vị quản lý trực tiếp lĩnh vực tín dụng, tại Tọa đàm “Khơi thông dòng tiền bằng cách nào”, ngày 29/5, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM nhận định, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang có những điểm tích cực, trong đó tháng 4 vừa qua tăng cao nhất. Tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 4 tăng 1,6% so với cuối năm ngoái.
Theo ông Lệnh, điểm nổi bật của tín dụng lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM các tháng vừa qua là gắn liền với những chuyển biến tích cực thực tế từ các phân khúc thị trường và sự phục hồi của từng loại hình bất động sản. Điển hình tỷ trọng các khoản vay mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tới 68% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có mức tăng trưởng mạnh 9,3% so với cuối 2023, đạt khoảng 44.600 tỷ đồng.
"Điều này cho thấy, chính sách lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn mua sắm nhà ở mà cũng đã kích thích mở rộng, phát triển các hoạt động đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp... Chưa kể, từ đầu năm đến nay, sự hồi phục của nhiều phân khúc thị trường đã kích thích các tổ chức tín dụng mạnh tay rót vốn", ông Lệnh nói.
Đánh giá về tiềm năng để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các khó khăn vướng mắc về pháp lý vốn là khó khăn mấu chốt của trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ, từ đó các dự án đang triển khai dang dở có thể nối lại. Thị trường trái phiếu, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ có cơ hội để phục tiếp tục đà phục hồi trong các quý cuối năm.
Đặc biệt, với nguồn vốn dồi dào và lợi thế vay vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ vốn vào các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, du lịch và bất động sản nhà ở.
Một tín hiệu tích cực từ Tổng cục Thống kê ngày 29/5, cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỷ USD. Con số này gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Cần thêm giải pháp huy động vốn bền vững
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, thị trường vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn khi các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản cần thêm thời gian để “ngấm”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thừa nhận, các doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận vốn ngân hàng. Khó khăn tiếp theo là thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục mạnh về giao dịch. Nên cần thêm các giải pháp phi tín dụng để tháo gỡ cho hoạt động tín dụng liên quan.
Từ góc độ người đi vay, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay các khoản vay cũ lãi suất vẫn còn rất cao. Vì thế, chỉ khi nào nhà đầu tư xuống tiền thì thị trường mới hồi phục cơ bản và bền vững. Để khơi thông dòng vốn vào bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn, cũng như kỳ vọng việc đẩy nhanh các dự án công, liên kết ngành, từ đó giúp giảm thiểu chi phí logistics và nâng cao sức cạnh tranh.
Đồng thời nhấn mạnh, cần phải luôn theo dõi thị trường và “tiến hóa” hàng ngày, nắm bắt nhu cầu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhiều nhà đầu tư hơn. “Chẳng hạn như trong phân khúc bất động sản công nghiệp, ai cũng mong muốn tìm nhà đầu tư lớn, nhưng KCN lại tập trung và thu hút hỗ trợ cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được ít người nhắc đến. Nghị định 35 nói về Khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phụ trợ, KCN cũng cố gắng thu hút đầu tư theo góc độ này”, ông Châu nói.
Với các doanh nghiệp bất động sản, theo ông Hoàng Huy, Giám đốc Phòng Nghiên cứu khách hàng tổ chức, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán Maybank, các giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp hiện nay đang tập trung chủ yếu ở các giải pháp tình thế từ đàm phán gia hạn trái phiếu, bên cạnh tập trung vào tín dụng ngân hàng.
"Cần phải đẩy mạnh tăng cường huy động thêm vốn, tức tăng vốn chủ sở hữu. Theo thống kê doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang có kế hoạch phát hành lượng vốn kỷ lục. Tuy nhiên, kênh này cũng đang vẫn bị “kẹt” và kỳ vọng được tháo gỡ và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, nhằm nâng cao nội lực cho các doanh nghiệp", ông Huy cho hay.