VEPR: Cầu tiêu dùng còn yếu, năm 2024 khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%
(DNTO) - Sản xuất và xuất khẩu là lực kéo tích cực cho nền kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước. Do đó, VEPR nhận định triển vọng tăng trưởng GDP năm 2024 dưới tiệm cận mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Tóm lược bức tranh kinh tế trên toàn cầu trong năm 2024, tại Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024, ngày 20/6, dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại: Lạm phát đang tiến tới mức cận trên, trong khi vẫn còn 7 tháng nữa mới hết năm 2024. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, việc lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 vừa góp phần làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.
Tỷ giá USD/VND vẫn chưa hết xu hướng căng từ đầu năm 2024, chỉ số giá USD bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%. Mặc dù tiêu dùng luôn được coi là động lực tăng trưởng của Việt Nam, trước đại dịch Covid-19 tiêu dùng đóng góp 7,1% vào tăng trưởng nhưng trong suốt năm 2023 đến quý I/2024 tiêu dùng giảm rất nhanh, chỉ còn 4,9%. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay.
"Cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang tụt hậu so với mức trung bình trước khi có bão dịch. Sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng", VEPR nhận định.
Từ đó, VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó nhấn mạnh ở kịch bản tăng trưởng, mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm 2024 cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm 2024 được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6% năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm 2024.
Tuy nhiên, theo VEPR, kịch bản này đạt được với một số giả định đạt mục tiêu như: cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD; đầu tư khu vực tư nhân (FDI, DN trong nước) tăng 12% so với năm 2023 và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này có thể bù đắp cho tiêu dùng và đầu tư chậm lại từ khu vực công.
Ở kịch bản điều chỉnh chính sách, GDP 2024 ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
"Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng", VEPR đánh giá.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, VEPR khuyến cáo, trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm 2024. Nghiên cứu khả năng có thể gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ Covid-19 cho giai đoạn 2024-2025; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
"Xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân, thậm chí, nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4%", VEPR cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là Chính phủ phải thực hiện chính sách hỗ trợ tổng cầu thông qua chi tiêu vốn, rõ ràng cải cách kế hoạch và thực hiện ngân sách đầu tư là ưu tiên hàng đầu, bao gồm cả yêu cầu cần áp dụng quan điểm chiến lược và có tính khu vực hơn đối với các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ cần cân nhắc sức mạnh của USD, việc giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi đầu tư tư nhân có thể làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh việc giảm thuế VAT và khuyến mãi trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng phải có những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ. Đơn cử như giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ ổn định, tạo niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp kích thích các ngành công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực phân phối và dịch vụ như logistics, hạ tầng, công nghệ... để tạo đà thúc đẩy cho lĩnh vực bán lẻ.