Cầu tiêu dùng yếu làm khó doanh nghiệp, cần thêm trợ lực để bứt tốc 6 tháng cuối năm
(DNTO) - Ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm, trong khi đó việc tiếp cận vốn lại không hề dễ dàng. Giải quyết bài toán kích cầu không chỉ là liều thuốc phục hồi cho doanh nghiệp mà còn góp phần "thúc" mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát.
Chật vật vì nhu cầu thị trường thấp
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên mức tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm, con số này phản ánh cầu tiêu dùng trong nước đã phục hồi nhưng vẫn thấp. Đặc biệt là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp - chỉ đạt 28% so với kế hoạch năm, làm giảm hiệu lực kích cầu của chính sách tài chính.
“Doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, đặc biệt là thị trường đầu ra. "Nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo gửi đến Chính phủ phiên họp thường kỳ ngày 6/7.
Dù khá nhiều doanh nghiệp đã xoay sở, tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp sự suy giảm của thị trường truyền thống nhưng số doanh nghiệp vượt lên khủng hoảng còn khá mỏng. Hầu hết vẫn trong tình trạng vật lộn để tồn tại khi đơn hàng chưa nhiều và không ổn định.
Đơn cử như Công ty May mặc Dony, dù nhận được nhiều đơn hàng nhưng thực chất là “ăn đong” vì đơn chủ yếu ở dạng ngắn hạn, không có ký kết hợp tác lâu dài. "Đơn hàng tăng cao dịp này là do đối tác nước ngoài gần cạn tồn kho nên bổ sung gấp. Sau đó bán chạy hay không họ không chắc, nên không dám đặt dài hạn", ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc May mặc Dony chia sẻ.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, lãi suất vay dù đã giảm nhưng còn cao so với lợi nhuận thực hiện. Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp Việt.
"Lĩnh vực thương mại, bán lẻ ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, một số ngành hàng giảm 50%-60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết.
Lĩnh vực bất động sản dù nhận được sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước nhưng vẫn tiếp tục chu kỳ khó khăn hơn các ngành khác, do các sai lầm trong đầu tư của thời gian trước như vốn vay lớn, thiếu dòng tiền gánh chịu lãi vay cao. Đặc biệt, vẫn đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỷ đồng đã phát hành, trong đó ước tính giá trị cần xử lý năm 2024 là gần 100.000 tỷ đồng.
Khảo sát của HUBA cho thấy có đến 64% doanh nghiệp đang khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 50% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu đơn hàng mới; 30% doanh nghiệp khó khăn vì thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao…
"Khá nhiều doanh nghiệp âm thầm rời thị trường nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế. Do đó, con số thực tế doanh nghiệp giải thể nhiều hơn số báo cáo một cách đáng kể", Chủ tịch HUBA phản ánh.
Trước tình hình quá khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nhanh chóng giải quyết các vấn đề cơ bản “hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất” với 45%, đẩy mạnh kích cầu tiêu đầu tư và tiêu dung chiếm 63%.
Kỳ vọng từ chính sách thuế và an sinh xã hội
Trong bối cảnh nợ đọng, chật vật, Nghị định 64 và Nghị định 65 của Chính phủ mới ban hành ngày 17/6 về gia hạn thuế và tiền thuê đất chỉ từ 2 - 5 tháng, nhưng được kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững và chờ đợi phục hồi, bởi nó tạo ra tác động khá rộng, gần như bao trùm tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiện nay ở trong nước.
Đặc biệt, ngày 6/7, Bộ Tài chính cho hay, đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, với số tiền đề xuất hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Phải kể đến là chính sách giảm thuế VAT và giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu ngân sách khoảng 24.700 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc Chính phủ thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội là hướng đi đúng đắn. Bởi lẽ, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6 - 6,5%, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Giải quyết bài toán kích cầu sẽ không chỉ là liều thuốc “hồi sức” cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát.
Đưa ra một số khuyến nghị chính sách nên được xem xét để thúc đẩy tốt hơn tăng trưởng, ông Trần Quốc Hùng, nguyên giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cho rằng, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
“Với tỉ lệ bội chi ngân sách 2024 dự trù là 3,4% GDP và số dư nợ công khoảng 40% GDP, Việt Nam có dư địa để thực hiện các biện pháp kích cầu đối với hộ gia đình”, ông Hùng nhận định và cho rằng, các ngân hàng thương mại cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân thông qua việc áp dụng chính sách hỗ trợ một cách phổ biến cho tất cả khoản vay trước năm 2023, các khoản vay tiêu dùng và vay cá nhân là hết sức cần thiết nhằm xử lý triệt để khối nợ đọng trong xã hội hiện nay.
Đồng thời nhấn mạnh, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, định hình lại chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại gia tăng. Để phát huy tối đa lợi thế của nền kinh tế kết nối, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt.