Tổng cầu yếu, các 'ông lớn' ngân hàng kiến nghị giải pháp 'đẩy vốn' ra nền kinh tế
(DNTO) - Cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng, trong khi hiện nay mới được 1/3 mục tiêu tín dụng của cả năm (14%). Ôm vốn giá cao nhưng không cho vay ra được khiến các ngân hàng đang "đứng ngồi không yên", tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế.
Nhận "lệnh" từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai hạ lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. Mặc dù vậy, dư nợ tín dụng đến nay vẫn thấp, tình hình càng "căng" hơn khi nhiều ngân hàng từng huy động với lãi suất lên đến 10%/năm, thậm chí cao hơn với các kỳ hạn 24 tháng. Như vậy phải đến cuối năm 2024 những khoản huy động này mới đáo hạn. Khi đó có khả năng lãi suất cho vay đã ngang bằng hoặc thấp hơn mức lãi suất huy động này.
Như vậy, dù đã hết nửa năm nhưng tín dụng mới chỉ đi được chưa đến 1/4 chặng đường, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Rõ ràng, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, cần nhiều giải pháp để tháo gỡ chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ...
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các ngân hàng đã kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
"Hiến kế' tháo van tín dụng cho ngành bất động sản, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, đề xuất một loạt giải pháp, như: Chính phủ luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các nhà băng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dang dở, giúp tăng nguồn cung nhà ở; NHNN phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp, ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp... xem xét có chính sách ưu tiên...
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, sức hấp thụ vốn yếu do những nguyên nhân cơ bản như khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay, có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay...
"Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước...", ông Ấn cho hay
Nêu băn khoăn, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn. Việc tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đề xuất hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.
“Để giảm lãi suất, nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó", vị CEO VPBank chia sẻ.
Ông Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm hai động lực về đầu tư và xuất khẩu đều khó khăn nhưng rất may đầu tư công đã phục hồi. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho tăng trưởng, đưa được nguồn vốn lớn cũng ứng ra nền kinh tế nhưng điều đó là không đủ. Theo ông, cần tập trung để kích thích tiêu dùng nội địa vì đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
"Tôi mong rằng các chính sách thúc đẩy sẽ tạo ra những thay đổi dần trong quý III và quý IV. Đây là điều kiện quan trọng nhất trong điều hành vĩ mô cho phép chúng ta hướng đến sự tăng trưởng", ông Vinh nói.
Tại họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức cuối tuần trước, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, NHNN đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ các ngân hàng thúc đẩy tín dụng trong thời gian tới. "Cửa sáng" cho các ngân hàng là hạn mức tiếp tục cho vay vẫn còn rất nhiều...
"Ngoài ra, các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu, gần đây nhất là các quy định về việc nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lên tới 14%… đã gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng. Điều này giúp chúng ta hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới", ông Tú thông tin.