'Phanh' lãi suất, nới 'room', lợi nhuận ngành ngân hàng nửa cuối năm sẽ ra sao?
(DNTO) - Khó khăn đang chất đầy, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan dự báo lợi nhuận nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kì nhờ lãi suất giảm, cùng các công cụ hỗ trợ tích cực đến từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nhiều khía cạnh...
Dự báo lợi nhuận tăng trên 20% so với cùng kì
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, một vấn đề được không ít cổ đông đứng ra chất vấn là cơ sở đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Dù thế, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều tin sẽ thực hiện được kế hoạch.
Yếu tố tác động đến "bức tranh ngành ngân hàng năm nay có thể kể đến là hàng loạt "các công cụ" cần thiết mà mới đây nhà điều hành cung cấp để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay bất động sản..
Đặc biệt, trong viễn cảnh u ám, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách với 4 lần liên tục cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm, cùng với việc điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng từ 11% lên 14% tương ứng với quy mô gần 358.000 tỷ đồng vào ngày 10/7, những động thái này đã tạo lực kéo cho các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Song, nhìn rộng hơn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định điều này cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lợi nhuận của các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng.
Chia sẻ tại Hội thảo "Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2023: Thách thức và Cơ hội” diễn ra mới đây, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Chứng khoán HSC, cho rằng "cửa sáng" lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất.
Theo đó, lãi suất giảm tương đối nhanh và mạnh trong nửa đầu năm sẽ tác động giảm chi phí vốn của ngân hàng. Tới đây, xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm cũng như 2024.
Đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng, bà Hà cho biết HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 12-14%, HSC dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 3% trong quý III và 6% trong quý IV, nghĩa là tăng mạnh nhất vào quý cuối năm. HSC ước tính lợi nhuận nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.
“Lãi suất trái phiếu chính phủ trong quý II đã giảm xuống mức dưới 3% (kì hạn 10 năm) là mức thấp hơn so với năm ngoái. Do đó, đây có thể là cơ hội ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ việc mua bán trái phiếu Chính phủ”, bà Hà cho hay.
Mới đây, trong Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2023, Chứng khoán VNDirect cũng lập luận rằng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng đầu năm đều đã giảm đáng kể so với đầu năm. Tới cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng có thể giảm về mức 6-6,5%/năm, tạo điều kiện môi trường cho vay phù hợp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng.
Một yếu tố khác các ngân hàng dự kiến hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp là tình trạng nợ xấu. Khi tài sản tài chính hồi phục, chi phí vốn giảm, tình trạng căng thẳng thanh khoản biến mất sẽ hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Khi sức khỏe nền kinh tế phục hồi, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống.
"Tuy nhiên, việc ngân hàng nào hưởng lợi, sớm hay muộn, nhiều hay ít sẽ còn phụ thuộc vào cấu trúc kỳ hạn và phân bổ tài sản. Trong thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận giữa các ngân hàng", Chứng khoán VNDirect nhận định.
Ngân hàng nào sẽ hưởng lợi về NIM trong nửa cuối 2023?
Lãi suất huy động vọt tăng từ quý 4/2022 làm cho chi phí vốn tăng nhanh trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh chậm hơn (3-6 tháng một lần) dẫn tới chi phí vốn tăng nhanh hơn lãi suất sinh lợi làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng trong quý 1.
Nhìn vào bối cảnh lãi suất huy động bình quân đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, giới chuyên gia nhận định, NIM sẽ "khởi sắc" dần từ quý 3/2022. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của NIM trong năm nay khá chậm, chủ yếu theo hướng ổn định, thay vì giảm mạnh như quý 1/2023. "Từ quý 3, NIM của hệ thống ngân hàng sẽ ổn định lại, đi ngang. Có thể kỳ vọng sự phục hồi rõ ràng hơn vào năm 2024", ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, dự báo.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, NIM sẽ tăng trở lại nhưng quá trình này sẽ không diễn ra ngay lập tức, bởi các ngân hàng vẫn phải giảm lãi suất cho vay để phục hồi nền kinh tế. Tuy vậy, xu hướng phục hồi NIM sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng, bởi cấu trúc của từng ngân hàng đối với nhu cầu tiền gửi và huy động vốn là rất khác nhau.
Bởi lẽ, những ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, tỷ lệ cho vay/huy động thấp, dẫn đến chi phí vốn nhỏ có thể duy trì, cải thiện NIM... ngoài ra, những ngân hàng có thế mạnh cho vay về tệp khách hàng cá nhân, phân khúc với lợi suất tài sản hấp dẫn, cũng có thể hưởng lợi.
Đơn cử, MBS Research vừa nhận định NIM của Ngân hàng Techcombank sẽ được cải thiện từ nửa cuối năm nay. Dự báo tỷ lệ NIM cả năm 2023 của ngân hàng này sẽ đạt mức 4,4% và có thể tăng lên mức 5% trong năm 2024.
Nhà băng này đang kiểm soát khá tốt chất lượng danh mục cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn (WB), đặc biệt khi tỷ lệ cho vay bất động sản đối với nhóm này là 73%. Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của nhóm WB cũng được duy trì ở mức dưới 0,1% trong 5 quý gần nhất.
"Việc duy trì chất lượng tài sản cao đối với nhóm WB (tỷ lệ nợ xấu < 0,1%) và tập trung tăng trưởng tín dụng cho nhóm nay, đi cùng với kiểm soát nợ xấu với 2 nhóm còn lại theo Thông tư 02 sẽ giúp nợ xấu hợp nhất của ngân hàng Techcombank được giữ dưới 1% tại thời điểm cuối năm 2023", MBS Research phân tích.