Năm 2023, ngành ngân hàng sẵn sàng vượt qua những 'cơn gió ngược'
(DNTO) - Nhiều yếu tố tác động khiến chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng trong năm 2023. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng gấp đôi sau 10 năm, từ mức trung bình 61% tăng lên 123%, cho thấy chiếc "áo giáp" này đủ gai góc để che chắn.
Năm 2023 sẽ có nhiều tác động khá "khó chịu" tới hoạt động của ngành ngân hàng. Cụ thể, các dự báo hiện nay đều cho thấy, trong năm 2023 mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới...
Về vấn đề này, tại toạ đàm “Điểm sáng đầu tư năm 2023”, chiều 15/2, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng, Khối Phân tích Định chế Tài chính FiinGroup, nhận định chất lượng tín dụng đang đi xuống tại các ngân hàng, sau khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6, nợ xấu đã dần phản ánh vào báo cáo tài chính. Cụ thể, Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên 1,9% vào cuối 2022, nợ xấu gộp 4,5% (gồm cả nợ đã bán cho VAMC và tái cơ cấu).
Rủi ro tín dụng đang tăng lên ở nhiều lĩnh vực lĩnh vực trong đó có bất động sản, mảng chiếm khoảng 21% dư nợ tín dụng toàn hệ thống, chiếm 18- 20% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của tín dụng bất động sản cuối năm 2022 là 1,81%, tương đương 46.500 tỷ đồng, nhích hơn so với cuối năm 2021 là 1,67%.
Tuy nhiên, theo bà Oanh con số này vẫn chưa thể hiện hết rủi ro tiềm ẩn từ lĩnh vực bất động sản. Bà cũng chỉ ra 4 yếu tố cho thấy sự ảnh hưởng của thị trường địa ốc tới chất lượng tài sản của các ngân hàng còn rất lớn.
Thứ nhất, chất lượng tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản suy yếu do tình trạng tắc thanh khoản và lợi nhuận lao dốc tại các doanh nghiệp này; Thứ hai, các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi, đến hạn trả nợ gốc và lãi trong năm 2023; Thứ ba, nợ xấu chéo từ cục máu đông trái phiếu bất động sản cuối năm 2022 khoảng 420.000 tỷ, trong đó ngân hàng nắm giữ 150.000 tỷ, nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ khoảng 270.000 tỷ; Thứ tư, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, ngành ngân hàng cũng "gia cố" sức đề kháng để chống chịu. Theo chuyên gia, trên bình diện chung, sức khoẻ của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 10 năm (thời điểm bong bóng bất động sản, khủng hoảng kinh tế,…). Nhiều ngân hàng có sự chủ động trích lập dự phòng tương đối sớm, có đủ nguồn lực để đối phó với các rủi ro từ nợ xấu.
"Cần nhìn vào bộ đệm dự phòng của các ngân hàng mà ở đây là tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Tỷ lệ này đã tăng chóng mặt sau 10 năm, từ mức trung bình 61% tăng lên 123%", bà Oanh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Oanh, tăng trưởng thu nhập lãi được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Môi trường lãi suất cao sẽ hút tiền gửi chảy lại vào hệ thống ngân hàng, làm giảm áp lực chi phí vốn, giúp ngân hàng có dư địa cải thiện thu nhập lãi.
"Các ngân hàng thuần bán lẻ và có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn do lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, tạo dư địa để cải thiện NIM", bà Oanh nhìn nhận.
Đồng thời cho rằng, thu nhập từ phí và hoa hồng tiếp tục làm dày thêm cho lợi nhuận của ngân hàng, phần nào giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng cho các nhà băng. Bên cạnh đó, những hợp đồng phân phối bảo hiểm mới được ký kết cùng với tập khách hàng ngày càng được mở rộng, tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
"Ước tính, trong 63,1 nghìn tỷ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đóng góp bởi 26 ngân hàng thương mại chiếm 71% dư nợ tín dụng toàn hệ thống, gần 38% đến từ dịch vụ thanh toán và ký quỹ, 24,5% đến từ hoạt động hợp tác bảo hiểm Bancassurance và 30,5% từ nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và các dịch vụ khác", bà Oanh thông tin.