Tín dụng èo uột, ngân hàng hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 xuống 12,5%
(DNTO) - Bế tắc cho vay vốn, tín dụng ì ạch khiến các ngân hàng tự hạ mục tiêu kinh doanh cả năm 2023 xuống 12,5%, điều chỉnh giảm 0,6 % so với mức 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III năm 2023. Kết quả cuộc điều tra cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý III/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022.
Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Tuy nhiên, vẫn có 11% TCTD dự báo nhu cầu vay vốn giảm trong năm 2023 so với năm 2022.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt và dồi dào hơn so với quý I; đồng thời dự báo tình hình thanh khoản tiếp tục dồi dào trong quý III/2023 và cả năm 2023 so với năm 2022.
Tại kỳ điều tra đầu tháng 6/2023, trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định giảm thêm 0,5 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành lần thứ 4 vào ngày 16/6/2023, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,31- 0,42 điểm phần trăm trong quý III/2023 và giảm tương ứng 0,91 và 0,79 điểm phần trăm trong cả năm 2023. Xu hướng rủi ro khách hàng gia tăng tiếp tục được các TCTD nhận định cho các quý điều tra của năm 2023.
Tại kỳ điều tra lần này, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý II/2023 tăng nhanh hơn so với quý trước, với 34,2% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể ở thời điểm hiện tại đang ở mức cao và 48,2% dự báo mặt bằng rủi ro khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022.
Đáng chú ý, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý III/2023 và tăng 10,6% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023.
Theo đánh giá của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện tăng nhẹ trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.
Cũng theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục cải thiện chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng. Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.
Trong bối cảnh sau nhiều năm mất cân đối khi tăng trưởng tín dụng luôn "áp đảo" huy động tiền gửi thì nay tình trạng này của ngành ngân hàng đã đảo chiều. Các chuyên gia nhìn nhận, mặc dù mục tiêu chung của các ngân hàng đang tỏ ra khá tích cực trong việc tìm kiếm mở rộng khách hàng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc khơi thông dòng tín dụng, nhưng thực tế cũng đang xuất hiện những cảnh báo nổi lên trong chính các ngân hàng. Trong đó, nợ xấu là một trong những vấn đề đang cần chú ý quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quý I/2023, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được "ghìm cương" ở mức dưới 3%, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ…
"Soi" thực tế nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy, nợ xấu đã gia tăng so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Đây là một trong những yếu tố khiến cho các ngân hàng bị vào "thế khó" và buộc phải thận trọng trong quyết định không hạ chuẩn, nới lỏng điều kiện cho vay để đổi lấy mục tiêu tăng trưởng. Bởi lẽ, việc cho vay ra nếu trở thành nợ xấu thì sẽ còn tệ hơn là không cho vay được. Điều này sẽ là một bài toán khó cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023.