Không phải đột phá về công nghệ, điều gì giúp ChatGPT chiến thắng?
(DNTO) - Mô hình kinh doanh nhắm vào cả B2B (khách hàng tổ chức doanh nghiệp) và B2C (khách hàng cá nhân) và thấu hiểu khách hàng sâu sắc đã giúp ChatGPT dù không phải là đột phá về công nghệ nhưng vẫn vươn lên trước các đối thủ.
Một mô hình kinh doanh ‘chiến thắng’
Phá vỡ mọi kỷ lục để trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất lịch sử (đạt 100 triệu người dùng sau 2 tháng ra mắt), ChatGPT – công cụ chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do Open AI phát triển, thực sự là một mô hình kinh doanh đáng học hỏi dù công nghệ không phải quá mới.
Thông thường tiến vào thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng một mô hình kinh doanh, nhưng để vượt lên các đối thủ, doanh nghiệp cần một mô hình kinh doanh chiến thắng. Open AI đã làm được điều này.
Trong mô hình kinh doanh chiến thắng, 3 thành tố đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đó là: khách hàng mục tiêu, giải pháp giá trị và sản phẩm.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là xác định khách hàng mục tiêu và tìm cách để thấu hiểu họ. Đây thường là bài toán đau đầu nhất của mọi doanh nghiệp và cũng “ngốn” của doanh nghiệp rất nhiều tiền.
Một ví dụ điển hình là McDonald ở Mỹ, dù đã tốn rất nhiều nguồn lực cho các hoạt động tìm hiểu nhu cầu khách hàng và cải tiến sản phẩm theo ý khách, nhưng doanh số bán sữa lắc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Chỉ khi đổi cách tiếp cận mới thông qua “việc cần làm” (Jobs To Be Done), tức hiểu khách hàng từ góc độ công việc họ muốn hoàn thành, chứ không phải chỉ đơn thuần là sản phẩm hay dịch vụ, tình hình của họ mới cải thiện.
Cụ thể, khi tìm hiểu, McDonald thấy rằng khách hàng mua sữa lắc không phải để uống mà họ muốn cho hành trình lái xe hơn 30 phút đi làm trở nên bớt nhàm chán. Dựa vào đó, McDonald cải tiến sản phẩm và doanh thu sữa lắc tăng vọt.
Tương tự, ChatGPT ra đời “đánh” đúng vào nỗi đau của khách hàng khi muốn hoàn thành những “việc cần làm” của mình. Nhờ đó, công cụ này nhanh chóng thu hút lượng người dùng khủng chỉ sau một thời gian ngắn.
Đi giải quyết “việc cần làm”
Một cách tổng quan, mô hình kinh doanh OpenAI nhắm vào 2 nhóm khách hàng khác nhau: cá nhân (B2C) và tổ chức, doanh nghiệp (B2B). Tương ứng với mỗi nhóm khách hàng mục tiêu, công cụ này có cách thấu hiểu để phục vụ khác nhau.
Với khách hàng cá nhân, “việc cần làm” của họ là muốn tìm kiếm thông tin để giải đáp các vấn đề trong cuộc sống. ChatGPT với “bụng kiến thức” được tổng hợp từ lượng dữ liệu lớn lên tới 45 terabyte, có thể ngay lập tức phân tích, tóm tắt dữ liệu và cung cấp thông tin cho người dùng một cách ngắn gọn, tổng hợp, thay vì trả về “tràng giang đại hải” các kết quả như những công cụ tìm kiếm khác.
Với nhóm khách hàng công ty, “việc cần làm” của họ là nâng cao khả năng ngôn ngữ trong các sản phẩm, dịch vụ. ChatGPT có khả năng viết nhiều dạng văn bản khác nhau, từ nội dung quảng cáo, chăm sóc khách hàng, bài thuyết trình, thông điệp truyền thông, email… sẽ hữu ích cho nhiều loại hình kinh doanh khác nhau. Các nội dung với độ chính xác cao giúp con người có thể giải quyết nhiều công việc hơn trong thời gian nhanh hơn bao giờ hết.
Với các tổ chức, “việc cần làm” là muốn nâng cao và cải thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ. Khi ChatGPT ra đời được xem là “điểm bùng phát” của AI, “châm ngòi” cho cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo của các Big Tech. Bởi công nghệ dựa trên transformer (mô hình học máy) đã được Google sử dụng trước đó ở mô hình BERT, nhưng chỉ khi đến ChatGPT mới bùng nổ vì tích hợp lượng dữ liệu lớn và khả năng tạo các layer hội thoại.
Ngay ở thời điểm hiện tại, ChatGPT ra đời được xem mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tìm kiếm thông tin. Thay vì tìm kiếm thông tin một chiều, người dùng có thể tham gia đóng góp dữ liệu. Lúc này, mô hình kinh doanh của Google có lẽ bị đe dọa nhiều nhất. Ngoài ra, AI sẽ còn phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng, không chỉ dừng lại ở văn bản, mà còn đến hình ảnh, âm thanh, video và game. Vì vậy, các công ty, tổ chức buộc phải thay đổi và chấp nhận cuộc chơi.
Việc “biết người” đã giúp ChatGPT tung ra sản phẩm “đánh” đúng nhu cầu của từng nhóm khách hàng thông qua một danh mục sản phẩm với dịch vụ ngôn ngữ AI đa dạng. Từ chatbot cung cấp thông tin dạng văn bản, cho đến dịch vụ API để các nhà phát triển tích hợp AI vào sản phẩm dịch vụ của họ, hay dịch vụ điện toán đám mây cho phép các công ty truy cập AI theo yêu cầu mà không cần phải xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng.
Xuất phát điểm thuận lợi của ChatGPT là điển hình cho một mô hình kinh doanh chiến thắng mà doanh nghiệp nên học hỏi. Ở mô hình này, doanh nghiệp phải thật sự thấu hiểu khách hàng. Sự thấu hiểu đó phải xuất phát từ lăng kính hiểu “việc cần làm” của khách hàng chứ không phải dựa vào các nghiên cứu, điều tra xã hội học giống như đại đa số các công ty đang làm hiện nay.