Google hé lộ Bard, ứng cử viên cho cuộc đua trí thông minh nhân tạo
(DNTO) - Google đưa ra câu trả lời của họ cho cuộc đua trí thông minh nhân tạo, khởi xướng bởi ChatGPT. Sản phẩm mới của Google có tên gọi Bard, dựa trên nền tảng LaMDA, sẽ dần mở rộng quy mô sau đợt thử nghiệm.
Sáng 7/2, công ty mẹ của Google, Alphabet Inc. đã công bố dịch vụ đàm thoại trí thông minh nhân tạo (AI) mới, kèm theo một loạt các tính năng sử dụng AI trong hệ thống tìm kiếm của họ. Động thái này là câu trả lời của Google đối với cuộc đua trí thông minh nhân tạo, vốn đã được khởi xướng bởi ChatGPT và Microsoft.
Microsoft cũng đã cho biết họ sẽ tung ra tin về AI trong ngày mai, 8/2.
Làn sóng thông tin về trí thông minh nhân tạo phản ánh cách Thung lũng Silicon đang chờ đợi cuộc “cách mạng” về cái gọi là “trí thông minh nhân tạo tạo sinh” (generative AI).
Đây là một hình thái công nghệ AI có khả năng tạo nội dung theo yêu cầu, có thể thay thế vai trò của con người trong hàng loạt công việc khác nhau, từ thiết kế sản phẩm, sáng tác đến phân tích chủ đề.
Trong thời gian qua, với sự hậu thuẫn của Microsofot, OpenAI đã tung ra ChatGPT, một dịch vụ đàm thoại tự động (chatbot).
ChatGPT nhanh chóng trở thành một “điểm nóng” trong cả giới công nghệ lẫn truyền thông. Thành công của ChatGPT đã trở thành thử thách lớn nhất của Google.
Câu trả lời cho ChatGPT từ Google sẽ mang tên “Bard”, dịch theo nghĩa đen là “Nhà thơ”.
Đăng tải trên blog của Google, Giám đốc điều hành Sundar Pichai cho biết, dịch vụ đàm thoại trí thông minh nhân tạo Bard sẽ bắt đầu được đưa ra cho người dùng và các nhà phát triển phần mềm thử nghiệm, sau đó sẽ dần được tung ra chính thức.
Sunda Pichai nói Google dự định sử dụng AI để hỗ trợ cho dịch vụ tìm kiếm, giúp trả lời các câu hỏi phức tạp, chẳng hạn như “học đàn guitar hay đàn piano thì sẽ dễ hơn?”. Hiện tại, Google chỉ có thể trả lời bằng cách đưa ra các kết quả tìm kiếm đến từ nội dung đã được tạo ra trên mạng Internet.
Google và Microsoft đều đã đồng loạt tích hợp trí thông minh nhân tạo vào dịch vụ tìm kiếm của họ. Trước đó, Microsoft đã đưa nhiều tính năng của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing của họ.
Microsoft đang sắp sửa tổ chức một sự kiện vào ngày mai, công bố kế hoạch tích hợp AI vào nhiều sản phẩm của họ. Tuy họ không nói rõ chi tiết, nhưng sự kiện này sẽ được tham dự bởi cả CEO Satya Nadella và Sam Altman, CEO của OpenAI.
Công nghệ đằng sau Bard là LaMDA (Language Model for Dialogue Applications), một nền tảng yêu cầu ít sức tính toán, nên có thể dễ dàng phục vụ cho nhiều người sử dụng cùng lúc. Điều này là một điểm mạnh so với ChatGPT, có khi đã phải từ chối người dùng vì quá tải.
Theo phân tích dữ liệu người dùng của UBS, đã có hơn 57 triệu lượt sử dụng trên ChatGPT kể từ tháng 12/2022, vượt qua cả mức gia nhập người dùng mới của TikTok.
Vào tháng sau, Google cũng đã lên kế hoạch đưa LaMDA và nhiều công nghệ AI khác để ứng dụng vào các sản phẩm dành cho người dùng chuyên nghiệp, cũng như các tập đoàn, Pichai cho biết.