Đi tìm sự an toàn cho hệ thống lái tự động của dòng xe điện Tesla
(DNTO) - Các nhà sản xuất và công ty công nghệ về ô tô tự động như Tesla đang nỗ lực làm cho việc điều khiển loại xe này trở nên an toàn hơn, nhưng cho đến nay, kỳ vọng ấy cũng không hề dễ dàng như đã tưởng.
Lâu nay, cứ ba tháng một lần, hãng ô tô điện Tesla thường công bố một báo cáo an toàn mang nội dung cung cấp số km giữa các vụ va chạm khi chủ xe sử dụng hệ thống hỗ trợ lái Autopilot của công ty, và còn có cả số km giữa các lần va chạm khi họ không sử dụng. Những con số này luôn cho thấy tai nạn ít xảy ra hơn với Autopilot, một tập hợp các công nghệ có thể tự lái, phanh và tăng tốc ở dòng xe Tesla.
Nhưng có chắc các thông số ấy không sai lệch? Theo Bộ Giao thông vận tải Mỹ, chế độ lái tự động chỉ thường được sử dụng chủ yếu khi lái xe trên đường cao tốc vì chúng an toàn gấp đôi so với điều khiển xe chạy trên các con đường trong thành phố. Sở dĩ Autupilot gặp ít sự cố hơn là do nó thường được sử dụng trong các tình huống cần đảm bảo an toàn hơn. Chỉ có điều cho đến nay không có nhà sản xuất ô tô nào khác cung cấp hệ thống tương tự, và Tesla cũng không ngoại lệ. Nghĩa là công ty đã không cung cấp dữ liệu cho phép so sánh mức độ an toàn của Autopilot trên các loại cung đường, ngay cả khi chúng giống nhau.
Chế độ lái tự động đã có mặt trên những con lộ công cộng từ năm 2015. General Motors tiên phong giới thiệu Super Cruise năm 2017, và năm ngoái Ford Motor “khoe” dòng BlueCruise. Thế nhưng, lại rất ít những dữ liệu có sẵn công khai giúp ta đo lường mức độ an toàn của các công nghệ này. Nghĩa là cho đến nay dân lái xe Mỹ có vẻ như vẫn đang là các “chú chuột bạch” của thứ thí nghiệm mà kết quả vẫn chưa được tiết lộ rành rẽ. Tất nhiên, giới sản xuất ô tô và các công ty công nghệ vẫn đang bổ sung thêm nhiều tính năng xe mà họ khẳng định sẽ cải thiện độ an toàn, nhưng không dễ để xác minh trọng lượng đáng tin của những tuyên bố này.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trên cao tốc và đường phố của đất nước Hoa Kỳ đã tăng trong những năm gần đây, đạt mức cao nhất trong 16 năm, tính tới 2021. Có vẻ như quyết định khôn ngoan của người ngồi sau tay lái vẫn đáng tin hơn bất kỳ sự cung cấp an toàn bổ sung nào từ những tiến bộ công nghệ. Ngay cả như G.M, dù đã hợp tác với Đại học Michigan để nghiên cứu khám phá xem sản phẩm Super Cruise của mình có đủ lợi ích an toàn hay không, cũng chưa dám kết luận là mình đã đủ dữ liệu để hiểu liệu hệ thống chính hãng có giảm thiểu tai nạn. Năm trước, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, cơ quan quản lý an toàn ô tô của chính phủ, đã ra lệnh cho các công ty hàng ngày phải báo cáo các vụ tai nạn nghiêm trọng tiềm ẩn xảy ra liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến Autopilot.
Tuy nhiên mọi thứ vẫn dừng lại ở đó! Những hứa hẹn công bố báo cáo công khai vẫn chưa được thực hiện. Còn cơ quan an toàn lại từ chối bình luận về những thông tin đã thu thập được từ trước đến nay, dù vẫn cứ hứa hẹn là “sẽ công bố”. Riêng các hãng xe càng kín miệng hơn. Tesla của Elon Musk không trả lời yêu cầu bình luận. Ford cũng từ chối lên tiếng. Riêng G.M. thiện chí hơn, cho biết đã báo cáo hai sự cố liên quan đến Super Cruise vào năm 2018 và 2020.
Dù công cụ Autopilot có khả năng nhưng vẫn không thể loại bỏ trách nhiệm từ người lái. Tesla yêu cầu các tài xế luôn tỉnh táo và điều khiển xe trong tư thế sẵn sàng. Cả BlueCruise lẫn Super Cruise đều yêu cầu như vậy. Thế nhưng các chuyên gia vẫn lo lắng về các hệ thống này. Bởi chúng cho phép tài xế từ bỏ quyền kiểm soát chủ động của mình đối với xe, họ cứ nghĩ “đây là xe tự lái mà!”. Thế là nếu nhỡ công nghệ gặp trục trặc hoặc không thể tự xử lý tình huống, người lái xe làm gì có thời gian chuẩn bị sẵn để kiểm soát nhanh chóng tình huống hiểm nghèo khi cần thiết.
Thực ra công nghệ cũ cũng đã lưu tâm đến điều này, chẳng hạn như phanh khẩn cấp tự động và cảnh báo chệch làn đường. Những biện pháp bổ sung từ lâu cũng đã cung cấp mạng lưới an toàn cho người lái, như giảm tốc độ, dừng xe hoặc cảnh báo về việc lái lệch ranh đã định. Giờ đây qua tiếp thị, các chuyên gia an toàn đặc biệt quan tâm đến Autopilot. Trong nhiều năm, ông Musk đã tự hào thực sự về độ tự chủ của xe hãng, cho rằng nó “tự lái” trong thực tế mọi tình huống. Ngay tên của hệ thống cũng ngụ ý nói lên điểm tự động hóa mà từ trước đến nay dạng công nghệ này chưa đạt được.
Nhưng e chừng đó lại là con dao hai lưỡi, dẫn đến sự tự mãn của người lái xe. Oái oăm là chính hệ thống lái tự động đã đóng vai trò không nhỏ trong nhiều vụ tai nạn chết người do chính sự thiếu chuẩn bị của tài xế gây ra. Từ lâu, Elon Musk đã nhiệt thành quảng bá Autopilot như một cách để cải thiện sự an toàn, và xem ra các báo cáo an toàn hàng quý của Tesla dường như ủng hộ ông. Tuy nhiên, có chắc sự lạc quan này là đúng? Theo Noah Goodall thuộc Hội đồng Nghiên cứu Giao thông Vận tải Virginia, mặc dù những chiếc xe sử dụng Autopilot ít gặp sự cố hơn nhưng còn nhiều thứ phải tính đến. Chẳng hạn như xe có được lái theo cùng một cách, trên cùng một cung đường vào cùng một thời điểm trong ngày và bởi cùng một người lái xe hay không.
Phân tích dữ liệu của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ đã phát hiện một điều, các công nghệ cũ hơn như phanh khẩn cấp tự động hay cảnh báo chệch làn đường lại cải thiện độ an toàn đáng kể. Mới đây, cơ quan an toàn ô tô liên bang đã yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu về các vụ va chạm khi hệ thống công nghệ hỗ trợ người lái được sử dụng trong vòng 30 giây sau khi va chạm. Điều này có thể cho ra một bức tranh toàn cảnh hơn về cách các hệ thống này đang hoạt động.