Dàn ‘cá mập’ mới và kỳ vọng lấp khoảng trống vốn cho thị trường khởi nghiệp
(DNTO) - Liên tục các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á ra đời là kỳ vọng giúp thị trường khởi nghiệp trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đón thêm nguồn vốn hỗ trợ khủng trong năm 2022.
Đầu tư công nghệ tại Việt Nam tuy đã có bước phát triển vượt bậc trong vài năm trở lại đây (từ 105 triệu USD năm 2016 lên 1,4 tỷ USD năm 2021), chiếm 13% tổng số vốn đầu tư của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Singapore (33%) và Indonesia (41%), thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa.
Hiện cả nước đã có hơn 3.800 startup nhưng mới chỉ có hơn 200 quỹ mạo hiểm nội và ngoại đang hoạt động. Sự chênh lệch về số lượng startup ngày càng gia tăng, trong khi số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm còn hạn chế, đã tạo ra một khoảng trống lớn về vốn chưa được khai thác hết.
“Khoảng trống ở vòng Series B khi giá trị gọi vốn của startup lên đến 15-20 triệu USD. Theo quan sát của chúng tôi, số lượng quỹ nội địa có khả năng tham gia vào vòng này còn rất hạn chế, vì vậy các startup sẽ không thể gọi vốn ở thị trường Việt Nam mà phải tìm đến các quỹ nước ngoài. Khi cơ hội gọi vốn bị giới hạn, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Quỹ đầu tư Do Ventures cho hay.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy con đường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ của các quốc gia, doanh nghiệp và người dân ngày càng nhanh hơn. Công nghệ, chuyển đổi số vì thế được xem là trụ cột cho sự phát triển kinh tế số. Vì vậy, thị trường đầu tư công nghệ trong ASEAN đang ngày một sôi động.
Cùng với sự ra đời của hàng loạt các startup mới, dự án mới, ý tưởng mới thì một dàn “cá mập” mới cũng xuất hiện.
Thống kê của DealStreetAsia cho thấy, có hơn 37 quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Đông Nam Á vào năm 2021, nâng tổng số quỹ trên thị trường lên 79 với tổng giá trị tiền quản lý mục tiêu là 7,6 tỷ USD. Ở một diễn biến liên quan, hiện đang có ít nhất 22 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang tập trung vốn và dự kiến sẽ phân bổ thêm 3,42 tỷ USD cho khu vực Đông Nam Á.
Điều này đặt kỳ vọng cho thị trường khởi nghiệp sẽ tiếp tục có thể đón thêm dòng vốn đầu tư lớn vào các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“Công nghệ ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và đạt tăng trưởng vượt bậc. Do vậy, các nhà đầu tư thuộc nhóm phi mạo hiểm càng tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Nhóm các nhà đầu tư này đã rót vốn trong 1/5 các thương vụ trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ trong tương lai”, bà Uyên Vy nhận định.
Thực tế cho thấy, chỉ trong quý 1/2022, hàng loạt các startup công nghệ đã huy động hàng chục triệu USD cho mỗi thương vụ.
Điển hình như: ngân hàng số Timo (20 triệu USD), startup chăm sóc sức khỏe Jio Health (20 triệu USD), nền tảng thương mại xã hội Mio (8 triệu USD), startup thương mại điện tử OpenCommerce Group (7 triệu USD), nền tảng đầu tư tích lũy Infina (6 triệu USD), tổ chức game blockchain Việt Nam Ancient8 (4 triệu USD), ứng dụng thương mại điện tử giao hàng siêu tốc Rino (3 triệu USD), nền tảng thương mại điện tử nông sản FoodMap (2,9 triệu USD), mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng Selly (2,6 triệu USD), ứng dụng quản lý đơn hàng SoBanHang (2,5 triệu USD)…
Khả năng thích ứng công nghệ nhanh, tỷ trọng người dùng điện thoại thông minh lớn… giúp Việt Nam trở thành địa bàn thuận lợi cho startup công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực như giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số…
Một trong những điểm hấp dẫn khác của thị trường khởi nghiệp Việt Nam, theo bà An Đỗ, Giám đốc Đầu tư quỹ Patamar Capital, đó là hiện môi trường đầu tư ngày càng cải thiện do nỗ lực của Chính phủ trong việc đơn giản hóa quy trình đầu tư, cùng việc cho ra đời khung pháp lý cho nền kinh tế số sẽ là điểm hấp dẫn các “cá mập” quốc tế.
“Theo một khảo sát của Patamar Capital, ước tính có ít nhất khoảng 600 triệu USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Riêng Patamar có thể tăng tỷ trọng đầu tư lên 20-30% vì chúng tôi thấy được tiềm năng và vị thế của Việt Nam trong chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ”, bà An Đỗ chia sẻ.