Cuộc bồi đắp công nghệ của ngành bảo hiểm
(DNTO) - Dùng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để đánh giá rủi ro hay sử dụng máy bay không người lái (Drone) để xác định mức độ thiệt hại tài sản… là cách nhiều công ty bảo hiểm truyền thống đang làm để cạnh tranh trong tình hình mới.
Bảo hiểm vốn là một sản phẩm vô hình và hợp đồng bảo hiểm thường kéo dài từ 10-20 năm, nên dịch vụ là thứ duy nhất hữu hình và tạo nên lợi thế cạnh tranh của các công ty bảo hiểm. Khi nhu cầu chuyển dịch sang online của người tiêu dùng tăng lên, buộc các công ty bảo hiểm phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Hiện có tới hơn 88% doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, số còn lại đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới (theo Vietnam Report).
Khi công nghệ bảo hiểm (Insurtech) xuất hiện đã tạo nên một cuộc cách mạng làm thay đổi cuộc chơi của các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống. Nếu như trước kia, người mua chỉ tiếp cận các gói bảo hiểm thông qua các đại lý tư vấn thì ngày nay, bảo hiểm được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử, không khác gì những loại hàng hóa thông thường.
“Ông lớn” trong ngành bảo hiểm là Prudential đã từng khiến các đối thủ “choáng váng” khi triển khai dịch vụ khám sức khỏe online, giúp kết nối khách hàng với bác sĩ từ xa. Đồng thời, Prudential cũng thực hiện bồi thường cho hơn 50.000 hợp đồng bảo hiểm tai nạn số, trong đó có 25.500 hợp đồng bảo hiểm được bán qua sàn thương mại điện tử Shopee.
Không kém cạnh, AIA, một trong 5 công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam, cũng ngay lập tức bắt tay với sàn thương mại điện tử Tiki để bán hàng. Công ty bảo hiểm Hanwha cũng tích cực xây dựng nền tảng quả số và hợp tác với các ngân hàng, fintech để đa dạng hóa phương thức thanh toán…Nhờ vậy, sau đại dịch, doanh thu từ kênh số của 69,2% các doanh nghiệp bảo hiểm đều tăng trưởng mạnh (theo Vietnam Report).
Bà Đinh Thị Ngọc Niềm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Global Care cho biết, sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tại (AI), internet vạn vật (IOT) hay Big Data đã giúp quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng của các công ty bảo hiểm được thực hiện nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí. Các công ty bảo hiểm buộc phải thiết kế lại các dòng sản phẩm để đảm bảo sự tinh gọn, phù hợp với người dùng và các thuật ngữ phải được giải nghĩa gần gũi, dễ hiểu.
Không chỉ vậy, công nghệ cũng mở ra cho thị trường bảo hiểm cơ hội phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô đặc thù theo lối sống. Đơn cử như Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phát triển dòng bảo hiểm trời mưa, thực hiện bồi thường cho chi phí cước xe công nghệ tăng khi trời mưa, hay một số công ty có các dòng sản phẩm bảo hiểm giao dịch gian lận, bảo hiểm mạo danh, bảo hiểm an ninh mạng hay bảo hiểm hoàn phí booking, bảo hiểm theo hành vi lái xe...
Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital cho biết khi đời sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu mua bảo hiểm cũng tăng lên. Tuy nhiên, khách hàng ngày càng có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với bản thân, thậm chí mong mốn tự đóng gói sản phẩm theo nhu cầu của mình nhờ vào việc ứng dụng AI, IOT… Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nếu không tự phát triển công nghệ thì có thể hợp tác với các công ty insurtech để tận dụng thế mạnh về công nghệ, để nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như tối ưu chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công nghệ nổi bật đang được áp dụng trong ngành bảo hiểm. Như công nghệ blockchain giúp phát hiện, ngăn chặn lừa đảo và tăng cường bảo mật dữ liệu, tính minh bạch của các giao dịch trực tuyến. Công nghệ Big Data, IOT thu thập và xử lý dữ liệu người dùng, cho phép công ty bảo hiểm phân tích rủi ro, giảm thiểu và ngăn ngừa tổn thất ngay từ đầu. Máy bay không người lái (Drone) được sử dụng để xác định mức độ thiệt hại tài sản và đánh giá rủi ro xung quanh một khu vực cụ thể…
Tuy nhiên, thị trường insurtech tại Việt Nam vẫn tồn tại không ít thách thức. Đầu tiên phải kể đến là việc khung pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Theo các công ty bảo hiểm, quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện nay chưa được áp dụng với lĩnh vực bảo hiểm. Ngoài ra, quy định hoạt động bảo hiểm phải tuân theo quy định của luật chuyên ngành, tuy nhiên, các quy định này không được đề cập trong Luật kinh doanh bảo hiểm.
Khoảng trống pháp lý này một mặt khiến các doanh nghiệp bảo hiểm rất lúng túng khi triển khai hoạt động, một mặt khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Do vậy, theo các công ty trong ngành, Luật kinh doanh bảo hiểm cần được điều chỉnh để bắt kịp với xu thế thị trường, đồng thời cần có sự truyền thông tích cực về ngành bảo hiểm để thúc đẩy thị trường phát triển trong tương lai.
Không chỉ vậy, việc khan hiếm nguồn nhân lực khiến thị trường insutech Việt Nam còn nhiều thách thức khi phát triển. Bảo hiểm là một ngành đặc thù và khá khó nên đòi hỏi nhân lực phải vừa am hiểu về công nghệ, vừa hiểu sâu về thị trường bảo hiểm, đặc biệt nhân sự trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, thiết kế trải nghiệm người dùng hay truyền thông số…