Kỳ vọng nào cho nhóm cổ phiếu bảo hiểm?
(DNTO) - Ngược dòng với thị trường chung, nhóm bảo hiểm bật tăng hơn 5%. Sức nóng của nhóm ngành này liệu kéo dài đến khi nào là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm?
Phiên giao dịch cuối tuần, ngày 23/9, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của nhóm ngành bảo hiểm. Trong khi chỉ số VN-Index mất hơn 11 điểm, chốt phiến chỉ còn 1.203 điểm, cả thị trường có hơn 350 mã tăng giá thì nhóm bảo hiểm lội ngược dòng hút mạnh dòng tiền.
Một số mã tăng mạnh như BMI tăng 7%, MIG tăng 6,8%, hai mã tăng kịch trần. Các mã còn lại giữ mức tăng tốt như VNR tăng 7,8%: BVH tăng 5,8% hay BIC tăng 4%... Nhóm bảo hiểm trở thành nhóm tăng điểm mạnh nhất thị trường với mức tăng trung bình 5,3% cùng hơn 9 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Việc tăng điểm của nhóm ngành này trở nên "nhạy cảm" hơn trong bối cảnh thị trường vừa đón nhận thông tin tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và theo sau đó, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt áp ngay sau đó, cụ thể lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.
Việc dòng tiền tìm về cho thấy thông tin về lãi suất đã thực sự tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, mà cụ thể là sự kỳ vọng về câu chuyện hưởng lợi của nhóm cổ phiếu bảo hiểm.
Tuy nhiên nhìn nhận về nhóm cổ phiếu này, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán SmartInvest cho biết, nhà đầu tư "nên xem xét nhóm cổ phiếu này ở xu hướng đầu cơ ngắn hạn chứ triển vọng lợi nhuận dài hạn sẽ khó được như mong muốn".
Theo ông Khánh, khá nhiều nhà đầu tư đang quá kỳ vọng từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ lượng tiền lớn thì có thể thu lợi nhuận tương đối khi lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm không hoạt động như những gì mà nhiều người đang nghĩ.
Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không dễ để họ chuyển tiền gửi của mình sang các kỳ hạn khác đi để tận dụng đợt tăng lãi suất này. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nắm giữ nhiều trái phiếu thì khi lãi suất tăng khiến giá trái phiếu giảm thì họ còn có thể bị ảnh hưởng về mặt lợi nhuận.
"Ngành bảo hiểm cũng đang tăng trưởng chậm lại, nếu năm ngoái mức tăng trưởng là 20% thì năm nay khả năng dưới 15%, khả năng còn 12%. Lợi nhuận của nhóm bảo hiểm năm nay sẽ yếu đi, do đó triển vọng lợi nhuậntrung và dài hạn sẽ khó như mong muốn", ông Khánh nhận định.
Thực tế, quý 2 vừa qua, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng xuất phát từ các nguyên nhân như thị trường chứng khoán ảm đạm cùng đó là chi phí bồi thường có xu hướng tăng trở lại.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 317 tỷ đồng,giảm đến 32% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, BVH đạt 827 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15% so với cùng kỳ. Danh mục cổ phiếu bị thua lỗ khiến BVH phải trích lập dự phòng lên tới hơn 200 tỷ đã kéo mức lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.
Hay tại Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã: BIC), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp còn 136 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIG) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là đến từ việc tăng mạnh của chi phí hoạt động doanh nghiệp, với mức tăng 36%, cùng đó là sự giảm mạnh của cá hoạt động tài chính, giảm 28% xuống còn hơn 47 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm được kỳ vọng tăng trưởng cao, tuy nhiên đi kèm là chi phí bồi thường cũng sẽ tăng cao hơn và những biến động khó lường trên thị trường chứng khoán sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm cũng dè dặt hơn trong kế hoạch lợi nhuận của mình.
Theo Chứng khoán VDSC, với giả định tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc 13,5% và tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 38,9% trong năm nay thì ước tính số tiền thực bồi thường gốc toàn ngành có thể lên 25.435 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, từ những thay đổi của Luật Bảo hiểm, Chứng khoáng KIS lại cho biết, "thị trường bảo hiểm vẫn đang phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tương đương so với các năm trước và nhanh hơn so với các nước trong khu vực". Với các thương vụ M&A, hợp tác chiến lược hay các tổ chức phụ trợ bảo hiểm, triển vọng trung và dài hạn của ngành hiểm cũng được KIS đánh giá khả quan với nhiều nhân tố tích cực.