Chứng khoán khó 'mơ' kịch bản lạc quan từ nay đến cuối năm
(DNTO) - Không chỉ lạm phát hay giá dầu thế giới mà quá nhiều yếu tố sẽ tác động đến thị trường chứng khoán. Kịch bản sideway phân hóa đã là mơ ước từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư và Quản lý tài sản của TVSI cho biết.
"Không có gì ngoài chờ đợi"
Vn-Index giảm, thanh khoản sụt giảm trong phiên 13/9 cho thấy thị trường đang ngày càng trở nên khó hơn với nhà đầu tư. Kết phiên, thanh khoản toàn thị trường chỉ hơn 14 ngàn tỷ đồng, riêng trên HoSE là hơn 12 ngàn tỷ đồng, mặc dù có tăng so với phiên liền trước nhưng nhìn chung vẫn nằm trong xu hướng giảm.
"Bản thân tôi một tháng trước còn có ý tưởng giao dịch nhưng hai tuần nay gần như không có ý tưởng nào, ngoài việc hy vọng một số cổ phiếu về mức giá cũ để mua lại. Hiện tại, không có gì ngoài chờ đợi", ông Nguyễn Trung Du chia sẻ tại một một chương trình chứng khoán diễn ra vào ngày 13/9.
Thị trường đã đi qua giai đoạn hồi phục và hiện bước vào điều chỉnh. Vùng 1.310 -1315 ngày càng thách thức thị trường hơn. Đặc biệt trong tuần này, quá nhiều thông tin dồn dập chờ đợi chứng khoán như: Mỹ sẽ công bố chỉ số CPI và chỉ số công nghiệp tháng 8; ngày đáo hạn phái sinh sắp tới; các quỹ ngoại cơ cấu danh mục và đặc biệt thông tin lãi suất từ Fed sắp được công bố.
"Giới đầu tư sẽ có xu hướng chờ đợi cho đến khi các thông tin qua đi", ông Du cho biết và kỳ vọng "vài phiên tới thị trường đi ngang và giảm nhẹ".
Về vấn đề thanh khoản ngày càng yếu đi, đại diện của TVSI cho biết, điều này do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng vì lợi nhuận mang lại không được như mong muốn. Dó đó, cổ phiếu có vốn hóa càng lớn càng khó tăng. Nhóm vừa và nhỏ có cơ hội tăng giá tốt hơn bởi còn có dòng tiền. Vì vậy sự phân hóa diễn ra giữa các nhóm ngành là điều dễ hiểu.
"Doanh nghiệp cần câu chuyện thật sự nổi bật may ra cổ phiếu mới có cơ hội tăng giá", ông Du chia sẻ.
Khó để lạc quan
"Khó khăn" là từ mà ông Nguyễn Trung Du nhận định về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.
Bối cảnh hiện tại không chỉ lạm phát và hay giá dầu trên thế giới ảnh hưởng đến thị trường mà còn phải kể đến nhiều nguyên nhân khác như bối cảnh châu Âu đang phức tạp hơn khi giá khí tăng, giá điện tăng do nhiều nhà máy đóng cửa, cùng đó là thiên tai như hạn hán hay lũ lụt tại nhiều nước. Quan ngại về dứt gãy nguồn cung, lương thực tăng giá là điều khó tránh.
Trong nước, tình hình cũng không mấy sáng sủa trước các thông tin về lãi suất. Với quan điểm "lãi suất tăng là kẻ thù lớn nhất của thị trường chứng khoán", ông Du cho rằng nhà đầu tư khó có thể lạc quan khi lãi suất liên ngân hàng tăng, lãi suất huy động đã nóng khi nhiều ngân hàng đã tăng lên 7%.
Điều này khiến định giá thị trường rẻ đi và "tín hiệu tiêu cực của thị trường tăng lên", ông Du nhận định.
Nhận xét về Vn-Index từ nay đến cuối năm, vị chuyên gia nhận định, chỉ số sẽ giao động trong khoảng từ 1.150-1315 điểm như giai đoạn 2018-2019, theo đó, thời gian tích lũy của thị trường phải từ 6-8 tháng. Và điều này có nghĩa phải từ quý 2/2023 thị trường mới có sự thay đổi so với hiện nay, trừ khi có yếu tố bất ngờ và lạc quan hơn.
Cũng theo ông, nhà đầu tư nên nghĩ đến kịch bản xấu nhất để khi thực tế xảy ra sẽ thấy khá hơn, và như vậy thị trường có cơ hội để hồi phục.