TS. Cấn Văn Lực: 'Cần xem xét thay đổi luật tổ chức tín dụng để cơ cấu lại thị trường bảo hiểm'
(DNTO) - "Chúng ta chuẩn bị xem xét sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng từ nay đến hết năm 2030, cần bổ sung những nội dung quy định liên quan đến Bancassurance, để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, tạo lực đẩy phát triển. Tôi hy vọng Bộ Tài chính sẽ tham gia tích cực", TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
4 rủi ro từ kênh Bancassurance
Bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) được triển khai rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại trên 60% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của mỗi quốc gia. Thống kê cho thấy, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh Bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng gia nhập sớm và triển khai hiệu quả đã giúp doanh thu từ bancassurance tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, thậm chí có nhiều ngân hàng doanh thu bancassurance chỉ đứng sau kênh tín dụng, nhất là đối với các ngân hàng có thỏa thuận hợp tác dài hạn với các nhà bảo hiểm lớn, uy tín.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Bancassurance: Tiềm năng và thách thức", chiều 27/7, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho hay, nhiều năm qua thị trường đã có bước tăng trưởng vượt bậc, nhưng gần đây đã giảm nhiệt.
Cụ thể, 10 năm trước, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường chỉ quanh mốc 18.400 tỉ đồng, song đến năm 2021 đã vươn lên 160.000 tỉ đồng - tăng gần 9 lần.
Tuy nhiên, bước qua bốn tháng đầu năm 2022, toàn thị trường khai thác mới được khoảng 926.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 15.000 tỉ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước...
Nêu 4 rủi ro từ hoạt động này, ông Lực chỉ rõ:
Rủi ro thứ nhất: Nhân viên ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm, có thể dẫn đến chất lượng tư vấn sản phẩm không cao, đôi khi có thể gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng.
"Nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu, dẫn đến nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm", ông Lực chỉ rõ.
Rủi ro thứ 2: Rủi ro xung đột đạo đức nghề nghiệp, xung đột lợi ích, và tính hiệu quả khi ngân hàng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm.
"Trong kinh doanh hiện đại, một doanh nghiệp không thể đứng một mình, mà phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả phụ thuộc vào đối thủ. Chọn phương thức cạnh tranh như thế nào cho thấy tư duy chiến lược của bộ máy lãnh đạo một doanh nghiệp. Với thị trường bảo hiểm, điều này càng quan trọng hơn, vì cạnh tranh xấu, hành xử thiếu đạo đức kinh doanh là mâu thuẫn trực tiếp với những tính chất cao đẹp, như “bảo vệ”, “nhân văn” của ngành bảo hiểm nhân thọ", ông Lực cho hay.
Thứ 3: Rủi ro lan truyền, hệ thống tài chính rất nhạy cảm, bởi nếu ngân hàng và công ty bảo hiểm xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến đại lý, đối tác của công ty bảo hiểm, các công ty con của ngân hàng mẹ...
Thứ 4: Thiếu sót trong cơ sở dữ liệu của khách hàng, đặc biệt là thông tin bảo mật của khách hàng, của doanh nghiệp kể cả trong việc luật pháp có cho phép các bên chia sẻ thông tin với nhau hay không đến nay vẫn chưa được thông suốt, rõ ràng.
Ngoài ra, các kênh bảo hiểm chưa có sản phẩm đặc thù đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng. Hầu hết các sản phẩm bancassurance đều kết hợp giữa việc tiết kiệm và quản trị rủi ro, hoặc tiết kiệm và đầu tư, sự kết hợp này có thể gây mâu thuẫn với hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Do đó có thể tác động đến việc bán các sản phẩm bancassurance trong điều kiện thanh khoản trên thị trường ngân hàng ở mức thấp. Các ngân hàng nên ngồi lại và tư duy mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững kênh Bancassurance.
"Trong bối cảnh các kênh phân phối số lên ngôi, hoạt động bancassurance, vốn dựa nhiều vào khả năng tương tác và bán hàng trực tiếp, sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn", ông Lực cho biết thêm.
Để Bancassurance thực sự là “con gà đẻ trứng vàng”
Để khai thác hiệu quả hơn bancassurance, ông Lực khuyến nghị, các ngân hàng nên phối hợp sâu sát và chặt chẽ với các đối tác bảo hiểm nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng có đủ năng lực bao gồm kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Qua đó, các nhân viên có thể đưa ra những tư vấn tối ưu và phù hợp nhất với bức tranh tài chính của khách hàng…
Đặc biệt, theo TS.Cấn Văn Lực, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam tuy đã có những quy định điều chỉnh hoạt động Bancassurance nhưng còn trong giai đoạn sơ khai.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện nay đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện nhưng câu chuyện được đề cập nhiều gần đây là: Dự thảo luật vẫn chưa đề cập đến hành lang pháp lý cho hoạt động bancassurance.
"Việc bỏ ngỏ các quy định có thể dẫn đến những rủi ro và tranh chấp khó giải quyết giữa các bên. Do đó, ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể về vấn đề này nhằm bảo vệ người đi vay, đồng thời là người tham gia bảo hiểm", TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Để có thể phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực này, ông Lực cho rằng, khung khổ pháp lý vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.
"Chúng ta chuẩn bị xem xét sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng từ nay đến hết năm 2030, cần bổ sung những nội dung quy định liên quan đến bancassurance, để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, tạo lực đẩy phát triển. Tôi hy vọng Bộ Tài chính sẽ tham gia tích cực", ông Lực đề xuất.
Đồng thời, ông Lực nhấn mạnh, Bộ Tài chính cũng cần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại thị trường bảo hiểm căn cứ theo Chiến lược tài chính đến năm 2030.
"Cá nhân tôi luôn vận động việc phải nghiêm túc triển khai chương trình giáo dục tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2030. Việc triển khai rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa làm tốt trong 2 năm vừa qua. Đây là thời điểm rất quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện câu chuyện về chiến lược tài chính mà Chính phủ mới ban hành ngày 20/3 vừa qua. Đây là trọng tâm cần lưu ý trong thời gian tới", ông Lực nhấn mạnh.