Công nghệ thổi lửa vào cuộc đua giảm giá logistics
(DNTO) - Công nghệ giúp giảm 15-25% chi phí đã đặt các hãng logistics vào cuộc chạy đua mới trong việc áp dụng càng sớm, càng sâu các công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh về giá.
Lời giải công nghệ
Chia sẻ tại Hội nghị Logistics 2023 hôm 5/10, bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng điểm nghẽn của ngành logistics hiện nay vẫn là vấn đề làm sao để giảm chi phí. Bởi tổng chi phí logistics của Việt Nam còn rất cao (60%) so với chi phí vận tải trung bình của các nước (30 - 40%).
Ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam lấy ví dụ trong lĩnh vực giao hàng nhanh, các doanh nghiệp luôn ở trong “cuộc chiến” về giá. Như ở Trung Quốc, 2015-2022 là giai đoạn các hãng giao hàng nhanh chạy đua giảm giá. Ở Việt Nam, “cuộc chiến” này khốc liệt hơn vì thị trường tuy nhỏ nhưng sự cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp cần sớm áp dụng công nghệ để có mức giá tốt nhất.
“Công nghệ có thể giảm 15-25% chi phí của các doanh nghiệp giao nhận nhanh hiện nay nên các doanh nghiệp phải xem xét tăng cường tự động hoá để tiết giảm chi phí", ông Trường Bùi nhấn mạnh.
Cho rằng Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam chứng minh bằng việc làn sóng các “ông lớn” đang đổ về Việt Nam. Khi càng nhiều công ty đến thì cốt lõi vẫn là phát triển logistics và chuỗi cung ứng. Vì vậy, Việt Nam nên đón đầu xu hướng này bằng cách học hỏi Trung Quốc, đi trước 3-5 năm về nhu cầu robot.
“2 tháng trước khi tôi đến các chi nhánh của hãng tại Trung Quốc, tôi thấy rằng họ đã có cơ sở đa tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất phục vụ nhãn hàng thời trang hàng đầu thế giới. Tại đây, hiện chỉ còn 3 - 5 nhân viên vận hành vì hệ thống áp dụng tự động hoá từ đầu đến cuối”, ông Edwin Chee nêu ví dụ.
Nhận định ngành logistics Việt Nam vẫn là điểm dừng chân của các nhà đầu tư, ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping, dẫn chứng 15 năm trước, Việt Nam không có một dịch vụ nào trực tiếp đến châu Âu, Mỹ Latinh thì nay đã có hơn 200 tuyến đường.
Mặc dù chi phí logistics ở Việt Nam chưa hiệu quả nhưng theo ông Elias cũng không quá đắt đỏ. Việt Nam cần mở rộng phạm vi giao nhận đến các thị trường mới như Úc, Nam Mỹ. Trong nước, cần thêm các điểm trung chuyển hàng hoá khác ở Thanh Hoá, Quảng Ngãi..., thay vì chỉ tập trung ở TP.HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng.
Đặc biệt, ông Elias cũng không quên nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần sớm chuyển đổi số để không bị chệch khỏi chuỗi cung ứng. “Năm 2030, các hãng tàu sẽ không dùng giấy mà chuyển qua hệ thống điện tử. Việt Nam cần tính tới yếu tố này, ngoài ra cần cải thiện tính chuyên nghiệp trong nghề”, ông Elias nhấn mạnh.
Dùng công nghệ “đúng” và “trúng”
Hiệu quả của công nghệ trong logistics không còn phải bàn cãi. Nhưng ở trong một thị trường nhỏ và cạnh tranh, trong khi năng lực và nguồn lực của các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế, việc sử dụng công nghệ nào cho phù hợp cũng là bài toán khó.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lo ngại về năng lực của doanh nghiệp logistics bởi Việt Nam hiện có khoảng 34.000 doanh nghiệp logistics nhưng quy mô đa số là vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động tại thị trường nội địa. Trong khi Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 200 thị trường trên thế giới, phần lớn vận tải quốc tế vẫn về tay các hãng logistics ngoại.
Lấy ví dụ thực tế tại doanh nghiệp mình, ông Sam Tan, Giám đốc Bộ phận giới thiệu sản phẩm mới - NPL, UB Malaysia cho hay, doanh nghiệp đã phải nhận nhiều bài học đắt giá khi sử dụng công nghệ và tự động hoá trong thời gian qua.
20 năm qua, trào lưu tự động hoá trỗi dậy mạnh mẽ, dù đã có công nghệ hàng đầu thế giới nhưng không phải mang về là doanh nghiệp áp dụng được ngay. Trước hết, doanh nghiệp phải có quá trình học hỏi và đánh giá mức độ khả thi, thực tiễn khi ứng dụng công nghệ. Sau đó là tập huấn cho mọi người sử dụng và đánh giá mức độ sử dụng. Đặc biệt, khi triển khai các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) hay Big Data cũng phải hiểu được bản chất công nghệ đó là gì, con đường số hoá thế nào...?
“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc để xem xét vấn đề này nên hành trình tự động hóa gặp nhiều khó khăn”, ông Sam nói.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, phải có chiến lược trong việc sử dụng công nghệ để đưa giá thành xuống mức thấp nhất, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, dữ liệu khách hàng là nguồn tài nguyên quý giá của doanh nghiệp, nếu biết dùng công nghệ để khai thác dữ liệu, doanh nghiệp sẽ tối ưu được quản trị, vận hành cũng như tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Do đó, theo ông Trường Bùi, doanh nghiệp logistics cần có sự chuẩn bị sớm, cần vẽ ra lộ trình chuyển đổi rõ nét với các chiến lược cụ thể.
“Không thể nói là làm được trong một sớm một chiều. Doanh nghiệp mang công nghệ nước ngoài về Việt Nam, nhưng phải làm thế nào áp dụng đúng với thực tiễn của thị trường trong nước thì mới có thể hoạt động thành công trong lĩnh vực giao hàng nhanh hiện nay”, ông Trường nhấn mạnh.