Học thuộc 300 bước quy trình, trợ lý ảo thay thế nhân viên cảng Cát Lái
(DNTO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng tại cảng Cát Lái (TP.HCM) hay nhiều kho hàng trên cả nước, nhằm tăng nhiệt cho cuộc đua số hóa của ngành logistics.
Bước nhảy công nghệ
Tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, AI được tích hợp trên website và các trang mạng xã hội công việc để chăm sóc và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trợ lý ảo Pi của Tân cảng Sài Gòn được học 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng. Hiện Pi có thể trả lời ngay lập tức các vấn đề với tỷ lệ 100% khách hàng liên hệ đều nhận được phản hồi.
“Trợ lý ảo Pi có thể trả lời hầu hết các câu hỏi thông thường về các quy trình thủ tục tác nghiệp tại Cảng Cát Lái, giúp giảm bớt thời gian, công sức cho tư vấn viên của trung tâm chăm sóc khách hàng và nâng tầm chất lượng dịch vụ của Tân Cảng Sài Gòn”, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ.
Sự phát triển của ngành logistics hiện đòi hỏi phải có các kho bãi thông minh để đáp ứng các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối… Các công nghệ mới như IoT (internet vạn vật), AI và tự động hóa vì thế được ưu ái đưa vào các nhà kho để cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
“Nhà kho hiện đại được xây dựng tích hợp các thiết bị tự động để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác, tối ưu hóa quá trình vận chuyển. Với những ưu điểm trên, nhà kho hiện đại đang dần thay thế các hệ thống lưu trữ truyền thống trong ngành logistics”, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam, cho biết.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của logistics. Được xem là “mạch máu” của nền kinh tế, logistics đứng trước áp lực số hóa nhanh chóng, để gánh vác trọng trách giữ nhịp lưu thông hàng hóa.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” chiều 27/4, ông Phan Văn Chinh, Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết năm 2023, Việt Nam lọt Top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á, theo Agility. Logistisc Việt Nam ghi nhận với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Áp lực từ dịch bệnh Covid-19, sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, buộc các doanh nghiệp logistics phải đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số "sếu đầu đàn" đã bước đầu thành công ứng dụng công nghệ để thay đổi bộ mặt của logistics.
Cần hành động nhanh hơn
Việt Nam hiện là điểm đến mới của nhiều các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Nhưng chi phí logistics còn cao, khoảng 16,8%, trong khi mức trung bình thế giới là 10%.
Theo ông Đinh Hoài Nam, ở Việt Nam, nhà kho truyền thống vẫn chiếm 50% tổng cung, trong khi ở Mỹ chỉ 35%. Phát triển hạ tầng logistics Việt Nam vẫn phụ thuộc vào dòng vốn FDI và nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, khảo sát của Bộ Công Thương, hơn 66% doanh nghiệp có chiến lược phát triển logistics xanh, nhưng chỉ 31% sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. Như vậy, mặc dù doanh nghiệp logistics có ý thức phát triển bền vững nhưng hành động vẫn chưa đủ mạnh mẽ.
Để logistics phát triển hiện đại, bền vững, theo Giám đốc Marketing Tân Cảng Sài Gòn, cần có cái bắt tay chặt hơn giữa các doanh nghiệp trong ngành. “Với doanh nghiệp cảng biển, xây dựng hệ thống dữ liệu chung, kết nối các cảng trong khu vực và thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác và sức cạnh tranh với các cụm cảng lân cận như Hồng Kông, Singapore hay Thái Lan”, ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh.
Các diễn giả cũng kiến nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, tháo gỡ các “nút thắt” giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng để thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 coi logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đây là ngành then chốt cần được đầu tư và quan tâm. Vì vậy, Bộ sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.