Cà Mau: Đứt gãy chuỗi cung ứng tôm đang ở mức báo động
(DNTO) - Con tôm có thể gọi là "át chủ bài" của ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau, chiếm tới 91% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khiến nguy cơ đứt gãy toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu đang hiển hiện trước mắt.
Giá tôm giảm sâu, thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng
Cà Mau với đặc thù là một tỉnh sản xuất thủy sản xuất khẩu, sản phẩm chủ lực là con tôm, với khoảng 300 ngàn hecta tôm nuôi ước sản lượng 150.000 tấn, chủ yếu cung ứng chế biến xuất khẩu. Sản lượng khai thác thủy sản biển trên 200.000 tấn/ năm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Cà Mau bình quân khoảng 1 tỷ USD/ năm.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến tình hình sản xuất chế biến bị giảm sút, nguyên liệu đầu vào bị dư thừa và dẫn đến giảm giá.
Đối với hoạt động kết nối cung cầu, qua sự phối hợp với các tỉnh, nhất là sự hỗ trợ của Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT, Cà Mau đã tiêu thụ được lượng nông sản nhất định với hơn 4.000 tấn các loại. Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với lượng nông sản của nông dân và doanh nghiệp sản xuất ra.
"Chung quy, các khó khăn đều tác động đến đầu ra của sản phẩm. Nhìn vào giá tiêu thụ nông sản, từ đó suy ra tác động khó khăn đến thế nào. Ví dụ như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg, tùy loại. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Với giá giảm này người nông dân không có lời. Nếu sản xuất không khéo thì thua lỗ. Nếu thua lỗ thì tái sản xuất khó khăn. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở" - ông Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trần tình.
Đối với khai thác hải sản, mặc dù ngư dân vẫn bám trên biển nhưng giá bán hải sản đang sụt giảm mạnh, hiện giá mực tươi, mực khô các loại đã giảm 20 - 30%/ kg, cá chợ giảm từ 20 - 29%, khiến lực lượng khai thác biển gặp nhiều khó khăn và ngư dân khó duy trì sản xuất...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tỉnh đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp duy trì sản xuất với phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, song phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu này phải đóng cửa và chỉ có khoảng 10.000 công nhân/20.000 công nhân của hơn 50 doanh nghiệp còn làm việc, với công suất chế biến trên dưới 50%.
Có thể nói, phương án sản xuất này chỉ cầm cự tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất, nếu không có các biện pháp căn cơ kịp thời thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiển hiện trước mắt và việc khôi phục lại cực kỳ khó khăn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cà Mau cần có chuỗi cung ứng nông sản
Tại Diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau" sáng nay 18/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo các đơn vị ngành hàng linh hoạt các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, chế biến và cung ứng kịp thời đầu ra, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm vaccine, Cà Mau cần xây dựng các điểm cung ứng cho các nhà mua như Sài Gòn Co-op Mart hay Big C. Từ bao bì đóng gói đến các yếu tố liên quan đều phải đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Chúng ta cần có chuỗi nhà cung ứng, hợp tác xã liên quan để đưa hàng vào siêu thị. Điều này, căn cứ vào yêu cầu của người mua. Cần có chiến lược lâu dài vì bán trong nước khác với đông lạnh rồi xuất khẩu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương rất đồng tình với gợi ý của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhất là khâu xây dựng chuỗi cung ứng để hợp tác với nhà phân phối.
“Giới thiệu sản phẩm thì nhiều, nhưng khi người ta mua thì lại không có đủ mà cung cấp. Tôm đất sống của Cà Mau nếu có chuỗi cung ứng, phân phối thì không chỉ ở TP.HCM được ăn mà tôi chắc chắn Hà Nội cũng có thể. Hy vọng các nhà mua có đăng ký cụ thể, để chúng tôi có các bước thực hiện”, ông Sử bày tỏ.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cũng cho rằng các sản phẩm đặc sản của tỉnh Cà Mau được người tiêu dùng của cả nước biết đến nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP.HCM hay Hà Nội.
"Cần phải làm thế nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Để làm được điều đó, địa phương cần thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp”, bà Vũ Thị Hậu phân tích và nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc duy trì các đội thu mua tin cẩn, đảm bảo được từ đầu vào cho đến đầu ra, không gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cà Mau nên phát triển tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ. Mong tỉnh đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa tôm - lúa đến siêu thị ngày một nhiều. Để thực hiện mục tiêu này, ông Luân cho rằng, Cà Mau cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc theo hình thức điện tử. Đây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Luân, người nuôi tôm cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.
Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất. Địa phương tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022
Bàn thêm về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông, thủy sản Cà Mau, ông Đỗ Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT của Saigon Co-op cho rằng, cần tập trung vào vấn đề bảo chứng sản phẩm nông sản và sau đó là đầu tư thêm vào đóng gói, nhãn mác để mở rộng thị trường. Ông Huy lấy ví dụ, tôm, cua Cà Mau là thương hiệu mạnh của tỉnh, tuy nhiên hiện nay tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây để ăn một con tôm Cà Mau ngon và chính hiệu là khó.
“Do đó, cần đến sự quảng bá, bảo chứng của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, như trước đây Saigon Co-op thực hiện xúc tiến thương mại cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang hay nhãn lồng Hưng Yên. Khi đó, người dân ở TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long có thể ăn trái cây miền Bắc chính hiệu”, Phó chủ tịch HĐQT Saigon Co-op gợi ý và cho biết đơn vị hiện tại không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà vẫn thường xuyên thực hiện xúc tiến thương mại ở thị trường quốc tế như Singapore.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả tôm Cà Mau đạt 711.766 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng, sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, có địa phương cao hơn, dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.
Từ đầu tháng 7, nhiều cơ sở kinh doanh chủ động giảm sản lượng từ 30 - 40%, đến 15/8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Hiện các doanh nghiệp không giảm giá bán tôm giống, thay vào đó hỗ trợ tôm giống từ 50 - 100%. Dự báo với số lượng tôm bố mẹ hiện có thì có thể chỉ sản xuất được khoảng từ 7 - 10 tỷ con/tháng.