Tổng lực nhiều giải pháp để 'cứu' ngành tôm
(DNTO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ. Dự báo quý IV năm nay sẽ "đói" nguyên liệu tôm trầm trọng và giá tiêu thụ tăng cao, nhất là tôm cỡ lớn.
Nguy cơ "đói" tôm nguyên liệu cuối năm
Tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản. Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ, xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ tháng 7/2021 đến nay, tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ tôm trong nước gặp nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy sản xuất đang "đe doạ" ngành hàng này bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa, thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng vật tư sản xuất do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch bị cách ly nên rất khó đáp ứng kịp thời, cộng thêm chi phí phát sinh chóng mặt khiến nhiều nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long bị đảo lộn. Việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng.
Địa phương bị cách ly do có ca dương tính, càng khó khăn trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ tôm. Hầu hết các nhà máy chế biến đều buộc phải giảm công suất xuống còn 30-50% để thực hiện "3 tại chỗ" nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là một trong những tỉnh trọng điểm về nuôi tôm của cả nước, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất, chế biến tôm.
Giá tôm giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới.
Không những thế, tình hình dịch kéo dài, khiến hoạt động thả nuôi tôm vụ 2 có xu hướng trầm lắng hẳn, do tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo quý 4 năm nay sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ tăng khá mạnh, nhất là tôm cỡ lớn. Ngoài ra, một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn, gián đoạn lịch thả giống…
“Hiện nay, nhà máy không sản xuất được nên không mua được tôm cho bà con, ngoài ra khâu vận chuyển từ vùng nuôi về nhà máy cũng rất khó khăn. Trước tình hình này, bà con lại không thả giống, dự kiến 3 tháng cuối năm là thời điểm thiếu tôm nguyên liệu. Thậm chí, nếu sau dịch, các nhà máy hoạt động lại bình thường thì sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng”- ông Bằng nhận định.
Cấp bách gỡ khó để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tôm
Theo ông Nguyễn Hoài Nam- Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tháng cuối năm 2021, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến của cả nước thì việc tận dụng được cơ hội này đặt ra không ít thách thức. Do vậy, 4 tháng còn lại phải có giải pháp căn cơ để vực ngành tôm tổ chức lại sản xuất.
Về vấn đề này, tại diễn đàn "Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”, ngày 1/9, ông Lê Văn Quang- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng các tỉnh cần làm sao có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện, để nhà máy thu mua thông suốt, để bà con nhìn thấy triển vọng mới mạnh tay thả nuôi tái đàn. Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm để hỗ trợ bà con nuôi thành công.
"Bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ. Do đó, bà con nên giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn"- ông Quang khuyến nghị.
Trước những khó khăn ở nhiều địa phương, ông Châu Công Bằng- Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau kiến nghị, nên có đầu mối xử lý thông tin. Ngành nông nghiệp 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có đầu mối kết nối để tháo gỡ khó khăn nhưng không giải quyết được vì liên quan nhiều ngành khác, do đó, cần nâng cấp mối kết nối thành cấp tỉnh. Tổng cục Thủy sản nên tham mưu bộ có văn bản với địa phương có biện pháp phòng chống dịch, mà vẫn thoáng trong sản xuất.
Đại diện Sở NN&PTNT Sóc Trăng kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn. Đồng thời, xem xét, kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi tôm cho phù hợp từ 10-30%, để một phần bù đắp khó khăn trong sản xuất. Có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, các giải pháp như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… nên để doanh nghiệp lựa chọn theo tình hình địa phương, điều kiện mới. Không nên yêu cầu theo hình thức bắt buộc, khiến khó khăn trong hoạt động chung, doanh nghiệp không chủ động, cũng không nâng cao được tinh thần trách nhiệm chống dịch. Làm sao xem đây là vấn đề tự nguyện và trách nhiệm của doanh nghiệp, khi họ chọn lựa thì đảm bảo các yêu cầu về điều kiện, tránh mang tính chất cực đoan gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Trần Đình Luân- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, quy trình nuôi tôm cần phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đồng thời, ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thuỷ sản thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm nguyên liệu, kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Hiện các thị trường đòi hỏi quy chuẩn, do đó, cần khuyến cáo cho người sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Vụ Hợp tác Quốc tế thông tin kịp thời phối hợp xử lý các rào cản thị trường nhập khẩu tôm.
"Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cho cấp mã số vùng nuôi, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn sinh học là yếu tố quan trọng hàng đầu để có thể xuất khẩu được tôm nguyên con sang các thị trường"- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.