Nỗ lực tìm 'đầu ra' cho các sản phẩm OCOP
(DNTO) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản đang trong giai đoạn thu hoạch có nguy cơ ùn ứ, khó tiêu thụ, giảm giá bán. Do đó, việc cần kíp trong giai đoạn này là phải tìm hướng mở rộng kết nối tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nông sản loay hoay tìm "mối" tiêu thụ trong mùa dịch
Ngày 1/9, tại diễn đàn "Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản, thực phẩm an toàn", đại diện chủ thể các địa phương đã giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã. Qua đó, các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm mong muốn sẽ kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, nhằm khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh dịch bệnh.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm, ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành cho hay, dịch Covid-19 đúng vào thời điểm thu hoạch nhãn, nên việc kết nối vận chuyển theo thị trường truyền thống bị gián đoạn. Nhãn đang được tiêu thụ chính tại thị trường tự do, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện vẫn có 2.000 tấn chưa thu hoạch và đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
"Chỉ mong muốn kết nối tiêu thụ nhãn với giá bán trung bình 16.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 35.000 đồng/kg tại thời điểm năm ngoái", ông Khoa trần tình.
Cùng chung khó khăn, ông Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng kinh tế huyện Thanh Oai, cho biết, hiện địa phương mong muốn kết nối tiêu thụ trứng vịt trắng và trứng gà đỏ của 5 hộ đã có giấy chứng nhận OCOP và VietGAP, trong đó, trứng vịt trắng của 3 hộ tại xã Liên Châu với sản lượng 16.800 quả/ngày; trứng gà đỏ của 2 hộ tại xã Hồng Dương với sản lượng 14.000 quả/ngày. Với giá 3.000 đồng/quả trứng vịt trắng và 2.300 đồng/quả trứng gà đỏ, trong thời gian giãn cách hiện nay, nếu khách hàng mua trên 5.000 quả thì huyện Thanh Oai sẽ có ô tô hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi.
Tại diễn đàn, bà Hoàng Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng kinh tế huyện Gia Lâm cũng đã giới thiệu 4 sản phẩm nông nghiệp bị ùn ứ của huyện đang cần hỗ trợ tiêu thụ ngay, đó là nhãn, cải củ Lệ Chi, rau, chuối tây với sản lượng ùn ứ lên đến con số hàng trăm tấn.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, mong muốn kết nối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại địa phương như: cá thương phẩm với sản lượng từ 15-25 tấn/tuần. Đặc biệt, một số sản phẩm thiết yếu cần kết nối tiêu thụ ngay trong tháng 9 này, gồm: Bưởi thồ với sản lượng 650 (tấn/tháng/vụ), thời gian thu hoạch 15-30/9, giá thành sản phẩm hiện nay từ 15-25 nghìn đồng/quả; chuối xanh với sản lượng 50-70 tấn (tấn/tháng/vụ), giá thành sản phẩm hiện nay từ 2.500-3000 đồng/kg...
Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ
Được xem các chủ thể sản phẩm giới thiệu các mặt hàng tại diễn đàn, Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng cảm nhận về nhãn quan thì tất cả các sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia các kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, theo bà để tham gia thị trường trên tất cả các kênh thì phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm.
“Thứ nhất, phải xác định sản phẩm sản xuất ra cũng chính là để cho bản thân mình, gia đình mình sử dụng thì bất kỳ giá nào cũng được thị trường ủng hộ. Nếu chúng ta vẫn phân biệt sản phẩm mang đi bán khác với sản phẩm dùng tại gia đình thì không thể nào vào được thị trường. Bởi vì, đánh giá cuối cùng là ở người tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ đều có hệ thống kỹ thuật để kiểm định chất lượng sản phẩm", bà Hậu nói.
Vấn đề nữa theo bà Hậu, sản phẩm phải tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các giấy phép về VietGAP, GlobalGAP... Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ. Đồng thời, phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thực tế của việc tham gia sàn thương mại điện tử hiện nay còn hạn chế về mặt số lượng, số sàn ít, nhà sản xuất tham gia cũng rất ít. Bởi vì đã tham gia sàn thương mại điện tử thì phải cung cấp rất nhiều thông tin như có mã VietGAP, mã vùng trồng, các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cho rằng cần có những đổi mới để ứng phó với bối cảnh dịch bệnh khó lường như hiện nay để chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Chẳng hạn, vấn đề tự cung tự cấp của Hà Nội một ngày, một tháng là bao nhiêu, hay từng địa phương của các tỉnh phía Bắc là bao nhiêu. Để chúng ta phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước thậm chí là chi viện cho các tỉnh phía Nam. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà có tính lâu dài.
"Các ban ngành, đơn vị liên quan phải phối hợp với nhau để dữ liệu hóa, đồng bộ dữ liệu. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là điều then chốt, trong thời gian tới nếu không tận dụng cơ hội, không quyết liệt thì sẽ rất khó trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo về mặt cung, cầu, phát triển kinh tế địa phương, kinh tế nông thôn", ông Toản nêu vấn đề.