Blockchain đang thay đổi thương mại thế giới như thế nào?
(DNTO) - Thương mại thế giới đang phát triển lên tầm cao mới nhờ những ứng dụng của blockchain.
Tăng cả chất và lượng
A.P Moller-Maersk Copenhagen, Đan Mạch, top 50 đơn vị hàng đầu thế giới ứng dụng blockchain các năm 2019, 2021, 2022. Công ty logisitcs này xây dựng mạng blockchain TradeLens để số hóa chuỗi thông tin cung ứng.
Từ khi ra mắt năm 2018 đến nay, nền tảng blockchain TradeLens đã tiếp nhận 50% tàu container trên thế giới. Năm 2020, blockchain này xử lý 1 tỷ lô hàng, 30 triệu container và 14 triệu tài liệu, cao hơn gấp đôi năm 2019. Công ty đã hợp tác với Microsoft để xử lý bảo hiểm hàng hải.
Visa, nền tảng thanh toán toàn cầu cho phép thanh toán tại 70 triệu địa điểm. Khi các ngân hàng bắt đầu khai thác các loại tiền kỹ thuật số, Visa đã thực hiện nhiều hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và hiện sở hữu 159 bằng sáng chế liên quan đến blockchain, giúp đảm bảo an toàn hơn cho các giao dịch. Visa đang cho phép 159 loại tiền kỹ thuật số lưu thông qua hệ thống của mình. Tháng 12/2020, công ty công bố tích hợp với tiền mã hóa USDC để tăng tốc độ thanh toán B2B.
Chuỗi siêu thị Carrefour Massy (Pháp) đang theo dõi hơn 30 dòng sản phẩm trên blockchain, bao gồm trứng gà, cá hồi Na Uy và phô mai Rocamadour. Các sản phẩm này được gắn mã QR để truy suất nguồn gốc. Hay tại chuỗi siêu thị Walmart (Mỹ), sáng kiến truy xuất nguồn gốc thực phẩm giúp siêu thị phát hiện ô nhiễm và các vấn đề an toàn thực phẩm khác, hiện theo dõi gần 500 mặt hàng như rau xanh, cà phê, hải sản và thịt.
Trong Hội thảo Công nghệ blockchain: Khởi tạo tiến trình thương mại quốc tế, ngày 5/4, ông Đỗ Ngọc Minh, thành viên Ban công nghệ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, hoạt động thương mại toàn cầu phát triển nhờ sự bùng nổ của kỷ nguyên thông tin với vai trò trụ cột internet.
Nhưng chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức khi dữ liệu người dùng bị lợi dụng quá mức bởi các nền tảng đóng vai trò bên thứ ba, lợi dụng việc phục vụ người dùng mà cung cấp thông tin giả, …Blockchain là nền tảng giúp hình thành một xã hội số hóa, nơi mà mọi người đều có thể tham gia, đóng góp, cộng tác và giao dịch, hình thành một nền kinh tế số mà không cần phải lo lắng về sự an toàn, trung thực của hệ thống.
“Blockchain dang giúp tạo ra những khái niệm mới như hợp đồng thông minh, đồng tiền số quốc gia (CBDC), nền kinh tế Token với các NFT, vũ trụ siêu việt (metaverse), các hoạt động tài chính phi tập trung (Defi), các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Mặc dù blockchain đang chứng kiến những sự thử sai, thành công cũng như thất bại nhưng sau tất cả, nó đã và đang phát huy vài trò trong các chính phủ, tổ chức và thương mại toàn cầu”, ông Minh nhấn mạnh.
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng nhận định, thương mại thế giới sẽ phát triển lên tầm cao mới nhờ những ứng dụng của blockchain. Trong bối cảnh thương mại thế giới ngày càng hiện rõ sự mong manh trước các cuộc khủng hoảng, xung đột chính trị, thì việc ứng dụng công nghệ như blockchain làm tăng khả năng chống chịu của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng không ít thách thức
Theo dự báo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam có thể đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần so với năm 2021.
Nhiều đơn vị, tổ chức đã nhận ra vai trò của blockchain trong hoạt động thương mại và bước đầu tìm cách ứng dụng.
Ông Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Ngân hàng số Nam Á Bank cho biết, việc quản trị rủi ro trong các ngân hàng thường tiêu tốn một khoản chi phí rất lớn. Đặc biệt, với các hồ sơ tài trợ thương mại liên quan đến chứng từ xuất xứ nguồn gốc, làm sao phải đảm bảo sự tin cậy. Blockchain có thể ứng dụng để đảm bảo hoạt động minh bạch từ điểm đầu đến điểm cuối, giảm thời gian và chi phí xác minh khách hàng.
Ngoài ra, hoạt động thanh toán quốc tế truyền thống hiện vẫn thông qua Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (Swift). Tuy nhiên, việc xử lý tập trung qua mạng lưới này vẫn còn tồn tại các vấn đề liên quan tốc độ, chi phí vận hành, bảo đảm lệnh chuyển chính xác, an toàn. Sự phát triển công nghệ blockchain có thể hình thành những mạng lưới thanh toán giúp việc chuyển tiền xuyên biên giới nhanh hơn, an toàn hơn.
“Chúng tôi mong có sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức công nghệ hỗ trợ thúc đẩy nền tảng thanh toán thương mại xuyên biên giới”, ông Thông nói.
Tuy nhiên, theo ông Quyết Vũ, Nhà sáng lập Locamos (nền tảng marketing ứng dụng blockchain), ngay tại Mỹ, việc ứng dụng công nghệ này trong hoạt động kinh doanh cũng không hề đơn giản và họ vẫn gặp khó khăn giống như Việt Nam như thiếu nhân sự hiểu về công nghệ, chi phí đầu tư hạ tầng rất lớn, và đặc biệt chi phí triển khai thậm chí còn lớn hơn nhiều chi phí đầu tư.
“Vì vậy doanh nghiệp băn khoăn khi áp dụng liệu có giúp họ tăng năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và khách hàng hay không. Blockchain chỉ là công cụ, mà cơ bản vẫn nằm trong tổng thể mô hình kinh doanh. Nếu đưa blockchain trong mô hình kinh doanh cũ chưa chắc hiệu quả. Blockchain áp dụng phải tạo ra một mô hình kinh doanh mới, tệp khách hàng mới”, ông Vũ nói.
Lý giải nền tảng blockchain Việt Nam hiện chưa nhiều, ông Eric Hưng Nguyễn, Giám đốc điều hành, Đồng sáng lập tại Spores Network (hệ sinh thái hỗ trợ dự án blockchain) cho rằng khoảng trống pháp lý khiến việc thu hút đầu tư cho các dự án blockchian Việt Nam còn khó khăn.
“Tôi từng làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên khi nhắc đến dự án blockchain ở Việt Nam họ rất e dè vì lo ngại việc thiếu khung khổ pháp lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án. Ví dụ blockchain có thể ưng dụng trong giao dịch L/C (thư tín dụng) tại các ngân hàng nhưng nếu quy định pháp luật không công nhận thì cũng không có giá trị”, ông Hưng nói.