Bất chấp khó khăn, nhiều công ty vẫn đổ hàng tỷ USD 'săn' các bằng sáng chế
(DNTO) - Kinh tế khó khăn không phải là lý do để nhiều doanh nghiệp và ngay cả công ty khởi nghiệp dừng khoản đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Bởi họ đã dần nhận ra đây là tài sản quan trọng và nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đầu tư “vô hình” thành tài sản “hữu hình”
Năm ngoái, Huawei, tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc chi tới 23,23 tỷ USD cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), tương đương hơn 25% doanh thu của hãng. Nhưng đổi lại, “trái ngọt” của việc đầu tư này giúp mảng giải pháp của công ty đạt 19,14 tỷ USD, tăng trưởng đến 30%.
Đại diện công ty cho biết, 2023 là năm bản lề với lộ trình tồn tại và phát triển của Huawei. Vì vậy dù khó khăn nhưng công ty vẫn tiếp tục coi hoạt động R&D là xương sống để định hướng cho sự phát triển bền vững.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), “gã khổng lồ viễn thông” Trung Quốc vẫn luôn là kẻ “săn” bằng sáng chế tích cực nhất, với với 7.689 đơn yêu cầu cấp sáng chế quốc tế vào năm ngoái.
Cũng theo WIPO, dù kinh tế khó khăn nhưng các công ty vẫn tiếp tục đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Minh chứng là số đăng ký năm ngoái đạt mức kỷ lục, 280.000, tăng 0,3% trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT).
Trong đó, nhiều “ông lớn” công nghệ và sản xuất trên thế giới như Samsung, Google, Microsoft, Alphabet, Toyota… mỗi năm đều đổ hàng chục triệu USD cho hoạt động R&D và coi đây là “át chủ bài” để gia tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ.
Lý giải việc doanh nghiệp không ngừng đổ tiền vào các bằng sáng chế, ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ nhiệm Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết nếu nhìn góc độ doanh nghiệp, bài toán làm thế nào để tăng trưởng, tăng doanh thu sẽ luôn tồn tại. Do đó, họ phải tìm cách tiếp cận nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn.
Động lực thứ 2 đến từ việc liên tục cải tiến hiệu suất lao động trong nội bộ. Nếu trước kia doanh nghiệp phải thuê hàng nghìn telesales với chi phí quản lý quá lớn, suốt ngày lo người vào người ra, thì giờ chỉ với 1 con chatbot, AI voice, giúp giảm 50% số lượng nhân sự, đồng nghĩa chi phí giảm xuống. Động lực tiếp theo đến từ nhu cầu quản trị của doanh nghiệp (quản trị con người, thông tin, tài chính, dữ liệu).
“Bất cứ doanh nghiệp thời kì nào cũng phải tìm cách bán nhiều hàng hơn, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất vận hành, quản trị hiệu quả hơn. Đó là lý do các doanh nghiệp luôn phải hướng đến tìm kiếm giải pháp đột phá, sáng tạo, nếu không sẽ bị đào thải khỏi thị trường”, ông Hưng cho hay.
Còn ông Jurgen Czillinsky, Chuyên gia đổi mới sáng tạo đến từ Thụy Sĩ, CEO Sowareen Group, lấy ví dụ hài hước cho rằng nguồn vốn dành cho đổi mới sáng tạo giống như một người nam, một người nữ, khi lấy nhau sẽ tạo ra những đứa trẻ. Đổi mới sáng tạo là nền tảng của doanh nghiệp, cũng giống như ví dụ trên, gia đình là nền tảng của xã hội.
“Thụy Sĩ là một trong những ví dụ đầu tư rất lớn về đổi mới sáng tạo”, ông Jurgen nói.
Thời điểm vàng để đầu tư cho đổi mới sáng tạo
Ở Việt Nam, giai đoạn 2013- 2022, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tăng bình quân 9,11%/năm (theo Cục Sở hữu Trí tuệ).
Đặc biệt, người Việt ngày càng chú trọng hơn việc bảo vệ sáng chế. Trong 10 năm qua, tổng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam gấp hơn 2,27 lần chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng kí của chủ thể Việt Nam là 8,82%/năm, cao gần gấp đôi chủ thể nước ngoài (4,74%). Việt Nam hiện xếp thứ 48/132 nền kinh tế trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Theo bà Dương Thị Thu Trang, Đồng sáng lập và Chủ tịch Starling Asia (người từng có kinh nghiệm chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh…), cho biết trong các công ty công nghệ, bằng sáng chế là một trong các yếu tố bắt buộc.
Thứ nhất nó sẽ nâng định giá công ty. Ví dụ như thời điểm được Facebook mua lại, Instagram là một công ty nhỏ, tiềm năng sinh lời còn là dấu hỏi. Nhưng nhờ có bằng sáng chế về nền tảng chia sẻ ảnh và các tính năng mạng xã hội, Instagram đã tăng mức định giá của mình.
Thứ hai, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và rất dễ sao chép, nếu các công ty không chú trọng đến bảo vệ công nghệ, ngay lập tức chất xám và tri thức của mình có thể thành tiền của người khác.
Vì vậy theo bà Trang, đổi mới sáng tạo không chỉ là xu hướng mà cần được coi là một nét văn hóa trong các doanh nghiệp, để mọi nhân sự đều trong tâm thế học hỏi, tìm kiếm và phát hiện những điều mới.
Với quan điểm của bà Tuyết Nguyễn, Phó Giám đốc Nền tảng Đổi mới sáng tạo BambuUp, năm 2023 là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tập trung phát triển giá trị cốt lõi, tư duy đổi mới sáng tạo phải được phát triển tối đa để nâng cao sức cạnh tranh, tiết kiệm chi phí đầu tư trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, không nhất thiết đổi mới sáng tạo là phải gắn liền với công nghệ. Ví dụ một phương pháp tiếp cận mới giúp giải quyết vấn đề theo cách mới cũng là đổi mới sáng tạo. Nếu doanh nghiệp thiếu nguồn đổi mới nội bộ, nên mở cửa cho mọi đối tác bên ngoài, từ công chúng, khách hàng, nhà cung cấp, startup…
“Bất cứ ai có thể trở thành Innovation Providers - nguồn cung ý tưởng đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp”, bà Tuyết nói.