Áp lực tứ bề bủa vây Shark Tank mùa 6
(DNTO) - Thất vọng về tỷ lệ giải ngân thấp, những lùm xùm liên quan đến các vị ‘cá mập’… ở các mùa trước, hiệu ứng thoái trào của các chương trình truyền hình… là áp lực mà Shark Tank mùa 6 phải vượt qua để lấy lại sức hấp dẫn.
Áp lực từ tỉ lệ giải ngân thấp
Shark Tank Việt Nam (Thương vụ Bạc tỷ) là chương trình truyền hình thực tế do Đài Truyền hình Việt Nam và công ty TV Hub phối hợp tổ chức từ năm 2017. Chương trình mục tiêu truyền cảm hứng khởi nghiệp và hỗ trợ vốn cho startup có ý tưởng tốt, sản phẩm hay.
Trải qua 5 mùa phát sóng, nhiều startup bước ra từ chương trình đã đạt được những thành công nhất định. Tuy vậy, nhìn vào tỷ lệ giải ngân thực tế rất thấp sau mỗi mùa, người theo dõi không khỏi băn khoăn. Bởi những vị cá mập ngồi ghế nóng liên tiếp nhiều mùa nhưng chưa thực rót đồng vốn nào.
Trong mùa 4, các nhà đầu tư cam kết đầu tư 200 tỉ, thực tế rót vốn 21,3 tỉ đồng. Shark Louis Nguyễn, Shark Linh và Shark Hưng dù có cam kết với một số startup trong chương trình nhưng sau đó không thực rót một đồng vốn nào.
Tương tự ở mùa 5, cam kết đầu tư 305 tỷ, thực rót chỉ hơn 46 tỷ đồng. Trong đó Shark Liên, Shark Phú, Shark Louis Nguyễn và Shark Linh cũng không thể giải ngân cho startup.
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu startup Việt Nam không đủ năng lực hay chỉ do nhiều startup không hợp khẩu vị với các nhà đầu tư?
Ở góc độ startup, thực tế, kĩ năng của founder Việt Nam khi pitching gọi vốn còn rất yếu, năng lực quản trị vận hành, tài chính còn kém... Điều này dẫn đến việc dù có ý tưởng hay, sản phẩm tốt, mô hình kinh doanh hiệu quả nhưng đôi khi vẫn không gọi được vốn.
Ở góc độ của các cá mập, việc đầu tư không hoàn toàn chỉ nhìn vào số liệu, mà đôi khi cũng dựa vào “cảm tính”. Rất nhiều nhà đầu tư lão luyện từng chia sẻ rằng họ sẵn sàng rót vốn cho founder và đội ngũ giàu tiềm năng, nhiệt huyết, hơn là mô hình hay ý tưởng kinh doanh. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, khi họ không còn cảm xúc, không cùng nhìn về một hướng với founder và startup, họ sẵn sàng rút lui.
Ở trường hợp này, thiết nghĩ Ban Tổ chức Shark Tank nên có lý giải cụ thể về các trường hợp startup được cam kết rót vốn nhưng không được giải ngân thực tế, thay vì chỉ trả lời chung chung như thời gian qua. Một mặt, giúp startup có thêm bài học kinh nghiệm khi làm việc thực tế với các nhà đầu tư. Một mặt để rộng đường dư luận.
Góc nhìn hạn chế của các ‘cá mập’
Các nhà đầu tư được mời đến Shark Tank Việt Nam đều là nhà đầu tư, doanh nhân nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, nhưng cũng không phải trong lĩnh vực nào cũng am hiểu, tinh thông để có thể đưa ra lời khuyên xác đáng cho startup.
Còn nhớ tại Shark Tank Việt Nam mùa 3, Dat Bike (startup xe điện) từng bị Shark Nguyễn Hòa Bình chê thậm tệ vì “sai thị trường, nhầm thời điểm và nhầm sản phẩm”, và được khuyên “nên làm một cái gì đó khác”. Và đương nhiên, Dat Bike thời điểm đó không nhận được bất kì một cái gật đầu rót vốn nào trong chương trình. Nhưng hiện tại, Dat Bike được định giá 32 triệu USD, tổng vốn startup này huy động lên tới 16,5 triệu USD (theo ước tính của Venture Cap Insights).
Hay sản phẩm xà đơn của founder Nguyễn Khánh Trình từng bị Shark Hưng, Shark Bình chê “ngáo giá” tại mùa 3. Không thể tìm hướng tại Shark Tank Việt Nam, anh tìm đường xuất khẩu ra quốc tế thông qua Amazon. Doanh số bán hàng tăng trung bình 200% mỗi năm, năm 2020 tăng đến 500%. Sản phẩm thu hút Shark Kevin Harrington, nhà đầu tư nổi tiếng từ chương trình Shark Tank của Mỹ cùng hợp tác mở rộng thị trường.
Đó là lý do mà TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, từng chia sẻ: “Các cố vấn, huấn luyện viên chuyên gia có kinh nghiệm là tốt nhưng nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng kinh nghiệm, không có tư duy sáng tạo, áp đặt những cái mình đang có vào mô hình kinh doanh hay trong những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ, vô hình chung kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của các bạn”.
Hiệu ứng thoái trào
Dù tính chất không giống với các gameshow hay các chương trình truyền hình thực tế khác, nhưng Shark Tank Việt Nam cũng không tránh khỏi hiệu ứng thoái trào. Bởi vòng đời của các chương trình truyền hình rất ngắn, các chương trình thường rất thu hút ở những mùa đầu, ‘nhạt’ dần về mùa sau. Giống như một món ăn mới, thực khách sẽ háo hức ở những lần ăn đầu tiên, nhưng sẽ chán dần ở những lần ăn tiếp theo.
Đó là lý do The Face (Gương mặt thương hiệu) từng lấn át Vietnam Nextop Model (Người mẫu Việt Nam), The Voice (Giọng hát Việt) từng lấn át Vietnam Idol (Thần tượng Việt Nam)… Đó cũng là lý do các nhà sản xuất chương trình luôn luôn phải tìm kiếm format chương trình mới để “đổi món” cho khán thính giả.
Doanh Nhân Trẻ đã có một thống kê sơ bộ về lượt xem 5 mùa Shark Tank Việt Nam trên kênh Youtube chính thức của TV HUB – nhà sản xuất chương trình. Thống kê sơ bộ cho thấy, số lượt xem bùng nổ ở những mùa đầu tiên (mùa 1 và mùa 2), sau đó giảm dần ở những mùa tiếp theo. Đáng chú ý, mùa gần nhất, tập nhiều lượt xem nhất chỉ đạt 1,2 triệu lượt. Các tập còn lại đều dưới 1 triệu lượt xem, tập ít lượt xem nhất chỉ đạt 199 nghìn lượt xem.
Mặc dù thống kê còn chưa đầy đủ vì Shark Tank Việt Nam còn phát sóng ở nhiều kênh khác, nhưng cũng phần nào phản ánh sự giảm nhiệt của chương trình sau các mùa. Điều này đặt ra yêu cầu cho nhà sản xuất phải tìm cách tạo sức hấp dẫn thông qua việc làm mới và nâng cao chất lượng nội dung chương trình.
Tuy nhiên, nên tránh việc kéo người xem thông qua drama. Điển hình như vụ việc Shark Phú với phát ngôn “thả thính” các founder nữ. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể lược bỏ thay vì đưa lên sóng những tình huống gây tranh cãi, tạo drama nhưng không mang lại giá trị cho người xem, làm chệch hướng mục tiêu ban đầu mà chương trình hướng tới.
Áp lực từ chính các ‘cá mập’
5 mùa phát sóng, Shark Tank Việt Nam cũng gặp áp lực, ảnh hưởng rất lớn từ đời tư, công việc kinh doanh của các vị ‘cá mập’. Lùm xùm nhất phải kể đến vụ việc huy động vốn của Shark Thủy cho hệ thống trung tâm anh ngữ Apax Leaders. Tiếp đó là việc Shark Liên với phát ngôn nhạy cảm liên quan đến Nhà máy nước sông Đuống, Shark Hưng dính nghi án liên quan đến hoạt động đa cấp biến tướng của BBI Việt Nam…
Ở Shark Tank Việt Nam mùa 6, nhà sản xuất đã làm mới bằng việc mời các vị “cá mập” trẻ tuổi là Lê Hàn Tuệ Lâm và Bùi Quang Minh. Với tuổi đời còn trẻ (thế hệ 8x, 9x), hai nhà đầu tư này được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho chương trình với những xu hướng đầu tư hợp thời. Đây cũng là chiêu thức của nhà sản xuất để thu hút khán giả.
Tuy nhiên, việc ngồi chung bể cá mập với những đàn anh, đàn chị lão luyện trên thương trường cũng là áp lực với các nhà đầu tư trẻ. Chưa kể, họ sẽ phải đón nhận những đánh giá khắt khe từ phía khán giả, giới chuyên gia. Họ sẽ phải làm sao thể hiện chuyên môn thật tốt, đưa ra những khuyến nghị công tâm.
Tham gia một chương trình truyền hình, đồng nghĩa thương hiệu cá nhân của các nhà đầu tư cũng được nâng lên tầm cao mới. Nhưng ngược lại, họ sẽ gặp áp lực lớn hơn trong đời sống, công việc, khi được công chúng, truyền thông quan tâm nhiều hơn. Điều này buộc họ phải tìm các phương pháp cân bằng tốt hơn.
Có thể nói, Shark Tank Việt Nam mùa 6 trở lại được xem là hơi ấm trong bối cảnh "mùa đông" gọi vốn kéo dài đang làm suy kiệt nhiều startup. Chương trình kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp, khi trong 6 tháng qua, lượng vốn mạo hiểm rót vào startup Việt Nam giảm tới 82% so với cùng kỳ, chỉ đạt 66 triệu USD. Với mục tiêu là một chương trình thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp đã trải qua nhiều mùa phát sóng, giới chuyên môn, khán giả và những người quan tâm hoàn toàn có quyền kỳ vọng và đặt ra yêu cầu khắt khe hơn vào sự trở lại của Shark Tank Việt Nam mùa này.