2 thế khó của startup khi tiếp cận các ‘ông lớn’
(DNTO) - Việc hợp tác giữa startup và doanh nghiệp lớn không phải là câu chuyện mới được đưa ra gần đây mà đã được chứng minh trong thực tiễn với nhiều trường hợp thành công điển hình. Tuy vậy, số vụ hợp tác thành công vẫn còn rất nhỏ do hạn chế cả từ phía doanh nghiệp và startup.
Trong Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 diễn ra mới đây, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lần đầu tiên được khuyến khích ra đề bài cho startup, để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện startup bắt tay với doanh nghiệp không phải là mới, ở cả Việt Nam hay trên thế giới.
Đơn cử như Anytime Fitness, một trong những chuỗi phòng tập lớn nhất trên thế giới với hơn 4,2 triệu hội viên và 4800 phòng tập, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Để giải quyết tình trạng nhiều hội viên có nguy cơ rời bỏ, Anytime Fitness đã quyết định hợp tác với DeltaTrainer, một startup cung cấp ứng dụng kết nối huấn luyện viên với người tập để huấn luyện 1-1.
Việc hợp tác này đã giúp đôi bên cùng có lợi. Trong khi Anytime Fitness có thể duy trì hoạt động trong mùa dịch, tăng trải nghiệm, giữ chân khách hàng và mở rộng thêm tệp khách hàng từ startup; thì Delta Trainer cũng tiếp cận hơn 4.2 triệu khách hàng của AnyTime Fitness trên toàn thế giới.
Hay mới đây, Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và với Denso, nhà cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu đã kết hợp với Aurora, startup công nghệ xe tự lái của Mỹ để sản xuất taxi tự lái.
Tại Việt Nam, sau 1 năm thành lập, Fonos, ứng dụng sách nói đã kí kết hợp tác với hàng loạt nhà xuất bản truyền thống như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà,... để phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng Fonos.
Cùng với xu thế này, hàng loạt các tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup… đang tiến hành tìm kiếm startup thông qua việc rót vốn đầu tư vào các quỹ đổi mới sáng tạo, hoặc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để tìm các startup tiềm năng.
Tuy vậy, số lượng startup hiện có thể tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn lớn rất nhỏ. Theo ông Thuận Đoàn, chuyên gia Tư vấn đào tạo về chiến lược marketing và đổi mới sáng tạo, có 2 thế khó của startup Việt Nam hiện tại khiến việc kết hợp với các doanh nghiệp lớn chưa hiệu quả.
Thứ nhất là tính đồng bộ với thương hiệu lớn. Bản chất, các thương hiệu hợp tác với các startup chỉ khi họ đủ nhận thức là họ cần giải pháp đó và bản thân họ không thể tự mình làm ra giải pháp đó hiệu quả. Tuy nhiên, đôi lúc những người đứng đầu doanh nghiệp có quyền nhưng không hiểu về công nghệ, ngược lại người hiểu về công nghệ lại không có quyền hành. Việc tạo được sự đồng bộ và thuyết phục doanh nghiệp lớn sử dụng giải pháp startup là điều khó.
Thứ hai là chứng minh tính hiệu quả. Thông thường, việc áp dụng công nghệ liên quan đến đầu tư. Hầu hết, các doanh nghiệp lớn hiện nay vẫn đang tư duy theo cách truyền thống: đầu tư ra phải có kết quả, nhưng rất nhiều hoạt động đầu tư vào công nghệ không thể cho ra kết quả sớm. Do vậy, những startup công nghệ sẽ phải cho ra được những giải pháp ngắn hạn có thể đo lường được kết quả.
“Không ai đầu tư vào công nghệ mà có lãi ngay, nhưng không ai đầu tư mà không đo lường được. Những giải pháp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phần nhiều vẫn là công nghệ thuần túy, chưa có sự kết hợp giữa nguôn ngữ kinh doanh và công nghệ để kết nối với câu chuyện của thương hiệu, và giải quyết cho doanh nghiệp từ vai của họ chứ không phải từ việc nhấn mạnh vào lợi thế sản phẩm của startup, vì rất nhiều doanh nghiệp lớn sẽ không hiểu”, ông Đoàn cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, khi tính đến câu chuyện hợp tác, cả doanh nghiệp và startup đều phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, xác định mục tiêu từ toàn bộ những lãnh đạo cấp cao xuống toàn thể công ty; chuẩn hóa quy trình nội bộ, chuyển hóa văn hóa doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để sẵn sàng để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.