Tiếp tục chiến lược ‘lấy nông thôn vây thành thị’, Viettel tại Peru phất lên như diều gặp gió
(DNTO) - Trong 2 năm đại dịch, Bitel – thương hiệu của Viettel tại Peru vẫn tăng trưởng mạnh ở nông thôn, góp 60% tổng tăng trưởng thuê bao của công ty này. Điều này cho thấy, chiến lược ‘lấy nông thôn vây thành thị’ của tập đoàn này chưa hề lỗi thời.
Không bỏ qua vùng sâu, vùng xa
7 năm có mặt tại thị trường Peru, Viettel hiện đang nắm giữ 19% thị phần viễn thông, gần đuổi kịp các gã khổng lồ đang đóng đô tại thị trường này như America Movil SAB (Mexico); MoviStar thuộc Telefonica (Tây Ban Nha) và Nextel thuộc NII Holdings Inc (Mỹ) với mức thị phần mỗi nhà mạng từ 20-30%.
Dù bước chân vào thị trường Peru sau khi các nhà mạng lớn đang hoạt động sôi nổi, thế nhưng, với việc phân tích rất kĩ đối thủ cạnh tranh, thị trường, lựa chọn con đường đi khác biệt, Bitel vẫn xây dựng được một lãnh địa riêng cho mình.
Ông Nguyễn Chí Tuấn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kinh doanh tại Viettel Peru cho biết, để thành công tại thị trường Peru, Viettel xác định tiếp tục kế thừa chính sách khác biệt hóa. Ví dụ nếu các đối thủ Bitel tập trung chủ yếu vào các khu vực thành thị thì Bitel phục vụ cho cả khách hàng thành thị và nông thôn với vùng phủ rộng khắp, giá cả hợp lý.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bitel triển khai chiến dịch đưa sản phẩm tới từng hộ gia đình, thông qua kênh bán hàng door-to-door, tức bán hàng tại nhà của khách hàng.
Đặc biệt, đầu năm 2021, bất chấp dịch Covid-19, Bitel tiến hành phủ sóng tại những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của quốc gia Nam Mỹ này, như giữa rừng già Amazon hay gần biên giới Colombia, điều mà những gã khổng lồ viễn thông khác chưa làm được.
Chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” của Viettel không chỉ giúp nhà mạng này vươn lên thành công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam, mà còn tiếp tục được áp dụng thành công tại nhiều thị trường quốc tế.
Nhờ vậy, năm 2020, Bitel tăng 400.000 thuê bao mới, hết quý 2/2021, tăng trưởng 830.000 thuê bao, trong đó, thuê bao nông thôn chiếm 60% tổng tăng trưởng thuê bao trong hai năm đại dịch. Hiện Bitel đang sở hữu 7,8 triệu khách hàng tại Peru, với doanh thu trung bình trên một khách hàng vào khoảng 5 USD, không chênh lệch nhiều giữa thành thị và nông thôn. Do đó, chiến lược phát triển mạng lưới về vùng sâu, vùng xa đã giúp Bitel không chỉ tăng trưởng thị phần và còn duy trì tăng trưởng doanh thu không kém gì khu vực đô thị.
‘Bơi’ thật nhanh với sự thay đổi
Trong đại dịch Covid- 19, Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ tháng 3 đến tháng 7/2020, toàn bộ Peru bị áp dụng lệnh giãn cách xã hội khiến hàng loạt cửa hàng của Bitel tại các trung tâm thương mại phải đóng cửa. Ngay lập tức, Bitel chuyển sang xây dựng hệ thống bán hàng online rộng khắp cả ở thành thị và nông thôn. Các kênh bán hàng online đã giúp nhà mạng tránh rơi vào tình trạng tê liệt vì Covid-19.
Nắm bắt xu hướng khách hàng tăng sử dụng các dịch vụ giải trí tại nhà, giữa năm 2020, Bitel cũng kết hợp với cùng Viettel Telecom để triển khai dịch vụ cung cấp kho phim có bản quyền từ các hãng phim nổi tiếng trên thế giới (video 5D Max). Với tổng số tiền đầu tư 600.000 USD ban đầu, hiện tại doanh thu hàng tháng dịch vụ này đã đạt trên 200.000 USD. Ngoài ra, Bitel cũng phát triển các dịch vụ Game, eSport và sắp tới là tự làm phim ngắn, sản xuất game.
Song song với chiến lược phủ sóng rộng khắp, Bitel không quên đầu tư vào hạ tầng kĩ thuật, công nghệ. Ông Nguyễn Chí Tuấn nhấn mạnh, lợi thế công nghệ, chất lượng sản phẩm sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt.
Công ty Viettel Peru tự xây dựng hệ thống kĩ thuật kinh doanh, từ đó tối ưu hóa các chi phí bằng việc đưa những kĩ sư, chuyên gia người Việt Nam sang Peru để xây dựng hệ thống kinh doanh, sau đó sẽ rút dần qua các năm.
Cụ thể, ngay từ khi ra mắt tại thị trường Peru vào năm 2014, Bitel đã bỏ qua công nghệ 2G và lên thẳng công nghệ 3G, sau đó là 4G vào cuối năm 2016. Nhờ công nghệ 4G mà giai đoạn 2017-2019, Bitel phủ sóng tới 75% dân số Peru. Thừa thắng xông lên, cuối năm 2019, Bitel tiếp tục phát triển công nghệ 5G và hiện đang phát sóng thử nghiệm công nghệ này.
Nhờ vậy, năm 2021, Bitel nhận giải đồng tại International Business Awards – IBA Stevie Awards về doanh nghiệp ứng phó tốt nhất với Covid-19 ở Peru.
Ông Nguyễn Chí Tuấn cho biết, tại Peru, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đều được đối xử như nhau, không có sự phân biệt về các loại thuế, phí, nghĩa vụ… Kinh doanh tại Peru, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu không sẽ nhận khoản phạt rất lớn từ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, 7,8 triệu khách hàng của Bitel cũng là những khách hàng rất tiềm năng để tiêu thụ các hàng hóa khác từ Việt Nam. Ông Tuấn cho biết Bitel rất mong muốn hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nội bộ và tệp khách hàng hiện có của Bitel.