Xuất khẩu kỳ vọng vượt mốc 377 tỷ USD trong năm nay

(DNTO) - Chuyên gia cho biết nếu tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng như 6 tháng đầu năm, xuất khẩu Việt Nam có thể vượt trên cả mục tiêu đã đề ra.

Hoạt động xuất khẩu Việt Nam nhộn nhịp trong 6 tháng đầu năm, là tiền đề bứt phá cho 6 tháng cuối năm. Ảnh: T.L.
Sự phục hồi của thị trường thế giới trong nửa đầu năm nay đã mang về cho lượng đơn hàng dồi dào cho các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu phục hồi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Cũng trong nửa đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 10,8% so với cùng kỳ), trong khi chỉ số tồn kho giảm (giảm 6,2% so với con số 83,1% cùng kì) là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tăng sản lượng và tăng số lượng lao động.
TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, nhận định, nếu duy trì phong độ như hiện nay, xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có thể cán đích. Bởi trong 6 tháng qua, ngoài kim ngạch xuất khẩu thì kim ngạch nhập khẩu của ta cũng tăng tới 17%, tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Đối với một nền kinh tế chủ yếu gia công hàng xuất khẩu thì đây hàng hoá như Việt Nam, việc gia tăng nhập khẩu là tín hiệu đáng mừng vì nhập khẩu nguyên phụ liệu và hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ lệ gần 89% tổng kim ngạch nhập khẩu.
“Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất phục hồi và sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu sắp tới”, ông Phương nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm. Trong khi đó, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
“Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết Quý 3 năm nay”, ông Hải nói.

Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết tạo ra một thị trường rộng lớn, nhiều ưu đãi về thuế cho hàng hóa xuất khẩu của ta. Ảnh: T.L.
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm ngoái, cán cân thương mại thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, với những kết quả của 6 tháng đầu năm cùng sự nỗ lực của từ trung ương tới địa phương, từ hiệp hội tới doanh nghiệp, xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 377 tỷ USD.
Bởi theo vị này, chỉ trong thời gian ngắn nhưng Việt Nam đã mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á, song song với việc tiếp tục khai thác các tốt thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.
Nửa cuối năm cũng vẫn có những yếu tố thuận lợi từ bối cảnh quốc tế và trong nước. Cụ thể như kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. WTO dự báo khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
“Điều này sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại khi Việt Nam nỗ lực tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã tham gia ký kết”, ông Phú nói.
Tuy vậy, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường khiến khiến triển vọng hạ lãi suất của FED khó dự báo hơn. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gây ra rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều này khiến giá cước vận tải tăng cao, tình trạng ùn ứ tại một số cảng lớn khu vực châu Á tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.
“Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022”, ông Hải cho biết.