Việt Nam trước cuộc cạnh tranh thu hút FDI
(DNTO) - Dù là điểm điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI nhưng Việt Nam cũng đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả những quốc gia nhỏ như Campuchia, Lào.
Cuộc cạnh tranh thu hút các "ông lớn"
Năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Vốn thực hiện đạt kỷ lục 26,1 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Việt Nam duy trì sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế nhờ các yếu tố nổi bật như vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa trung tâm của các tuyến giao thương quốc tế. Chính sách ưu đãi và hội nhập từ việc liên tục ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA). Lực lượng lao động trẻ với kỹ năng ngày càng được nâng cao và đặc biệt là một trong những nền chính trị ổn định nhất trong khu vực, điều này giúp củng cố niềm tin từ các đối tác quốc tế.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ lâu đã là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. FDI không chỉ mang lại nguồn tài chính mà còn giúp chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Các nước này đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Năm 2024, nền kinh tế Thái Lan thu hút hơn 22 tỷ USD vốn FDI nhờ chính sách ưu đãi từ chính phủ và phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng. Chính phủ Thái Lan đã thực hiện các biện pháp như miễn hoặc giảm thuế trong 5 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và kinh doanh.
Indonesia đạt 45 tỷ USD FDI vào 2024, tập trung vào nguồn năng lượng và sản xuất quy mô lớn. Quốc đảo đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tăng thu hút FDI vào lĩnh vực này.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút vốn FDI, bao gồm việc đơn giản hóa các quy định và cung cấp các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thậm chí các nước láng giềng như Campuchia và Lào cũng đang có các chính sách hướng tới các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các dự án sản xuất chi phí thấp, tạo nên ưu thế riêng biệt về chi phí cạnh tranh.
Gỡ khó đúng và trúng
Dù đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn phải đối đầu trực tiếp với các quốc gia láng giềng có chiến lược thu hút FDI linh hoạt và mạnh mẽ. Chưa kể, hạ tầng của ta vẫn hạn chế, dù các cải tiến đáng kể, hạ tầng giao thông, logistics vẫn cần được bổ sung để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Việt Nam từng được biết đến với lợi thế lao động giá rẻ, nhưng mức thu nhập của người lao động đang có xu hướng tăng. Theo khảo sát, người lao động Việt Nam có mức thu nhập trung bình khoảng 236 USD/tháng, bằng một nửa so với Thái Lan (446 USD/tháng), nhưng khoảng cách này đang dần thu hẹp, khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi lựa chọn điểm đến đầu tư.
Nhưng theo nhiều cuộc khảo sát với các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho thấy thủ tục hành chính luôn là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2023, có tới hơn 30% doanh nghiệp FDI cho biết họ phải dành ít nhất 5% tổng thời gian hoạt động để hoàn thành các thủ tục hành chính tại Việt Nam. Mức này cao hơn đáng kể so với các quốc gia như Thái Lan (dưới 3%) và Indonesia (dưới 4%).
Một khảo sát gần đây từ Tổ chức Xúc tiến Đầu tư Toàn cầu chỉ ra rằng trung bình một dự án FDI ở Việt Nam phải mất từ 8-12 tháng để được phê duyệt hoàn toàn. Tình trạng này đặt ra một thách thức lớn trong việc đơn giản hóa quy trình để tăng sức hút vốn đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính không chỉ giúp thu hút nhiều dòng vốn FDI mà còn cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong năm vừa qua, với những chính sách đột phá và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xóa bỏ các rào cản hiện tại, gia tăng sức cạnh tranh và trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư toàn cầu trong thời gian tới.