Văn phòng an toàn thời Covid-19
(DNTO) - Có một nơi dành cho nhân viên hoạt động ở Bucharest đầy những cải tiến công nghệ chống virus SARS-CoV-2 corona, từ sơn diệt khuẩn, robot khử trùng đến camera thân nhiệt. Những văn phòng ngăn ngừa Covid-19 như thế sẽ là một viễn cảnh tương lai về không gian làm việc.
Nếu không trong hiện trạng mùa dịch, những cơ sở này trông chẳng khác gì một viễn cảnh tương lai về các căn phòng bệnh viện hơn là nơi công sở làm việc. Tại một khối văn phòng ở Bucharest, người ta sẽ thấy nắm cửa không cần mở bằng tay, bề mặt tự động làm sạch, sơn chống vi khuẩn, công cụ hiển thị giám sát không khí, rô bốt khử trùng bằng tia UV và còn 135 biện pháp vệ sinh an toàn khác. Chúng được nhóm sáng tạo thiết kế quảng cáo, đây là một trong những nơi làm việc chống lại virus tốt nhất thế giới, một phong cách kiến trúc văn phòng trong tình trạng bình thường mới hậu đại dịch.
Bước vào H3, một tòa nhà năm tầng ở một khu phố phía tây thủ đô Romania, có lẽ ai cũng phải trải qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu. Bởi họ sẽ phải dùng cổ tay thay vì các ngón để mở cửa, đi qua máy ảnh thân nhiệt đo dấu hiệu sốt đặt cách đó hai mét. Ai được sáng đèn xanh chấp nhận là an toàn sẽ đi theo một lối đến thang máy có khả năng tự sát trùng, rồi bước lên một trong hai miếng đệm chân và được vận chuyển qua tòa nhà. Hệ thống khử trùng bằng đèn UV được lắp đặt trong các trục thông gió luôn được duy trì để giữa các tầng không bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, bất kỳ nhân viên nào bị nhấp nháy màu đỏ ở phần đầu trên màn hình đều được cán bộ quản lý miễn dịch đeo găng tay nhựa đưa vào phòng cách ly gần đó. Đây là một buồng thủy tinh gắn nút báo động và có hệ thống thông gió bên trong biệt lập với phần còn lại của tòa nhà.
Một thiết bị có tên “Diệt virus” lắp đặt trên tường với đèn UV khử trùng và những cánh quạt mạnh ba mức độ, đủ sức loại bỏ bất cứ thứ gì mất an toàn sức khỏe, từ chất ô nhiễm, nấm mốc đến bào tử có thể lây nhiễm vào không khí. Vào ban đêm, một robot cao 1,2 mét dạo quanh tòa nhà, sử dụng tia UV để khử trùng và loại bỏ mầm bệnh. Vào ban ngày, các ion hydrogen peroxide (ion oxy già) sẽ được phun ra từ nhiều điểm chính trong hệ thống thông gió.
Nhân viên được công ty mời đến kiểm tra mọi thứ, từ số lượng cồn tẩy rửa đến các dung dịch hữu cơ, từ lượng carbon dioxide đến độ ẩm bên trong tòa nhà. Họ được xem video giải thích công nghệ máy lọc nước thẩm thấu ngược trong hầm, cắt nghĩa hoạt động khoa học của máy Viruskiller hoặc của các cảm biến được trang bị để phát hiện virus gây bệnh ở hệ thống đường ống. Họ cũng được giải thích công dụng ngăn dịch lây lan qua cách mở cửa với khuỷu tay, hay về dạng thiết kế bo tròn các cạnh của phụ kiện và sàn nhà để hạn chế tối đa các góc vốn là nơi vi trùng thường có cơ hội tụ tập.
Ở Romania, cũng như các nơi khác tại châu Âu, phần lớn nhân viên văn phòng bị khóa chân ở nhà vì dịch trong 18 tháng qua, và họ khá lo lắng về viễn cảnh phải quay trở lại nơi làm việc. Dự án tiêu chuẩn xây dựng Immune kể trên ra đời là để trấn an nỗi e ngại của tầng lớp này. Chương trình quy tụ các chuyên gia y tế, kiến trúc sư, kỹ sư, công nghệ thông tin và quản lý tòa nhà từ khắp nơi trên thế giới, thực hiện theo tiêu chuẩn công khai và được đăng ký nhãn hiệu cầu chứng đàng hoàng.
Các nhà phát triển Immune bao gồm công ty bất động sản hàng đầu của Romania là Genesis, cũng là chủ sở hữu nhà H3, với dự án có chi phí khoảng 1 triệu euro (850.560 bảng Anh). Theo Liviu Tudor, Giám đốc điều hành Genesis, hơn một chục tòa nhà khác, từ Mỹ đến Singapore, cũng đang trong quá trình đệ đơn xin khảo sát để lấy chứng nhận tiêu chuẩn Immune.
Tudor cho biết, dự án sẽ tạo cơ sở cho một tiêu chuẩn mới trong toàn khối EU, tương tự như các quy tắc an toàn cháy nổ thông thường. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ đổi mới công nghệ và kiến thức khoa học đến cách tân tâm lý nơi làm việc. Nó cũng sẽ khuyến khích cả người sử dụng lao động lẫn nhân viên văn phòng lấy lại sự bình tâm về mối lo liệu có an toàn để trở lại nơi làm việc trước đây hay không. Chương trình thiết kế kiến trúc tích hợp công nghệ này là nỗ lực nhằm giúp vực dậy ngành bất động sản thương mại, vốn đã bị các nhà đầu tư xa lánh từ khi đại dịch bùng phát, do sợ rủi ro dịch bệnh xâm nhập doanh nghiệp mà nhiều công ty quyết định từ chối khai thác không gian văn phòng.
Công ty viễn thông Thụy Điển Ericsson hiện là chủ sở hữu của H3, một không gian rộng 15.500 mét vuông đã được trang bị bổ sung trong năm qua với chi phí 375.000 euro mà chủ nhà và công ty chia nhau gánh. Trước dịch, bình thường vẫn có 2.000 nhân viên làm việc tại đây. Trong dịch chỉ có một số ít đến cơ sở, ngồi cách nhau theo khoảng cách hợp lý. Dự kiến sau hè này 20% lực lượng lao động ban đầu sẽ quay trở lại.
Với những trang bị chi tiết như vậy, có một câu hỏi được đặt ra là liệu việc đầu tư hàng triệu euro để tân trang lại một tòa nhà kỳ khu đến thế có đáng hay không, vì sự lây lan của virus corona một phần phụ thuộc vào ý thức và hành vi của con người. Tuy nhiên vẫn có sự đồng thuận về mặt khoa học là, Covid lan truyền qua các giọt và những aerosol trong không khí chứ hiếm khi lây qua các bề mặt, nên tốt nhất là cứ phải tìm an toàn cho không gian trong nhà.