Từ ‘đóng’ đến ‘mở’ hệ sinh thái khởi nghiệp – Bài 3: Doanh nghiệp, địa phương, startup tìm cách ‘ngồi chung mâm’
(DNTO) - Sự thay đổi như vũ bão của thị trường và nhu cầu khách hàng buộc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hay chính địa phương phải chuyển dịch, tìm kiếm nguồn đổi mới sáng tạo từ bên ngoài, thay vì chỉ dựa vào nguồn lực nội tại.
Khi startup được chọn
Tại PNJ, tập đoàn kinh doanh mảng bán lẻ vàng bạc, đá quý với hơn 351 cửa hàng độc lập trên toàn quốc, cũng đang thực hiện chiến dịch “F5” chính mình bằng việc loại bỏ những tư duy không còn phù hợp, và “mở” hơn để đón chào doanh nghiệp từ bên ngoài.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của PNJ, cho biết với một doanh nghiệp đã có lịch sử 30 năm như PNJ, đôi lúc sẽ có những lối mòn về tư duy và sống trong vùng quá an toàn, nếu không thích ứng sẽ trở thành câu chuyện quá khứ.
Ví dụ trước đây, để biết được hiệu suất kinh doanh tại các điểm bán, PNJ đều sử dụng cách thức khá “thủ công”, đó là thông qua các bảo vệ tại mỗi cửa hàng để bấm số, sau đó rà soát số lượng khách hàng ra vào, thống kê lượng khách mua thành công để tính ra hiệu suất điểm bán, giúp lãnh đạo ra quyết định cải thiện.
Từ năm 2019, PNJ hợp tác với Palexy, startup tiên phong sử dụng công nghệ thị giác máy tính (CV) và trí tuệ nhân tạo (AI) tăng hiệu suất cho các cửa hàng bán lẻ. Công cụ của startup này đã giúp doanh nghiệp số hóa các nguồn dữ liệu có sẵn của hãng bán lẻ, bao gồm hệ thống camera giám sát, dữ liệu bán hàng, lịch khuyến mại, thậm chí tình hình thời tiết…, giúp doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, sản xuất dễ dàng hơn.
“Palexy khi tiếp cận PNJ cũng là một ý tưởng, chúng tôi cũng là đơn vị tiên phong giúp ý tưởng chứng minh qua thực tiễn. Tôi được biết Palexy cũng đến nhiều doanh nghiệp, nhưng họ dám đón nhận vì lo ngại khi mở cổng cho startup vào sẽ khó kiểm soát vấn đề bảo mật. Thực tế ban đầu chúng tôi cũng vậy nên chúng tôi ‘mở’ nhưng thử nghiệm trong phạm vi rất nhỏ là 10 cửa hàng và quan sát họ làm tích cực hay không, có theo sát chúng tôi hay không, sau đó Palexy cũng thành công”, ông Tuấn nói.
Hay tại Ngân hàng ACB, hành trình chuyển đổi số được dẫn dắt bởi tính đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua. Năm 2017, ngân hàng này thành lập ACB Inovation Lab nhằm nghiên cứu, thử nghiệm và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Cùng với đó, để phát triển hệ sinh thái số, ACB bắt tay mạnh mẽ với nhiều startup như “kỳ lân” VNG để phát triển true ID; với MoMo, ZaloPay, Shopee Pay để phát triển Ví – Telco; với startup Fina để phát triển giải pháp số cho nhóm Proptech – Health care… Nhờ vậy, tới năm 2022, doanh nghiệp này đã có thể số hóa cả quy trình, sản phẩm và công nghệ.
“Theo dự báo thì có rất nhiều công nghệ tới năm 2030 mới tác động đến giới tài chính ngân hàng. Nhưng thực tế, rất nhiều công nghệ mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, AI, robotics… đã xuất hiện sớm hơn trong mốc 5 năm, hiện đang chiếm trọng số quan trọng trong hoạt động chung của giới ngành tài chính. Vì vậy, đối với chúng tôi, phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo vì đây là hoạt động dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số”, bà Chu Hồng Hạnh, Giám đốc Sáng tạo ACB nhấn mạnh.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn tên tuổi ở Việt Nam đang tốc lực tìm kiếm nguồn đổi mới sáng tạo bên ngoài doanh nghiệp. Nếu như Viettel đồng tổ chức Viet Solutions nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp công nghệ sáng tạo; thì Vingroup cũng đã ra mắt Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ thiết thực.
FPT đã thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam VIISA để rót vốn cho ý tưởng khởi nghiệp hay mới đây là tập đoàn Phú Thái rót vốn vào Quỹ đầu tư Thinkzone Fund II để tìm kiếm startup công nghệ. Sự chuyển dịch này đã cho thấy startup đang được nhìn nhận là nguồn đổi mới sáng tạo hàng đầu cho các tập đoàn, doanh nghiệp ở mọi loại hình.
Địa phương tăng tốc
Đặc biệt, không chỉ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các địa phương hiện cũng đang dần nhận ra vai trò của nguồn lực đổi mới sáng tạo và đang có cơ chế cởi mở hơn để cùng làm việc với startup.
Hồi đầu năm, tỉnh Quảng Nam công bố hợp tác với startup Bizverse World để số hóa các điểm du lịch ở Hội An thành hình ảnh 3D trong không gian 360 độ, với hướng dẫn viên trí tuệ nhân tạo. Mục đích của việc này là đưa các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống… ở Hội An tiến dần lên metaverse (vũ trụ ảo), nhằm tăng trải nghiệm khách du lịch khi đến với địa phương. .
TS Trịnh Công Duy, Founder của Bizverse World cho biết, dù metaverse là lĩnh vực khá mới và khó nhưng hiện nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Lai Châu đang đón nhận khá tích cực. Đây cũng là cơ hội để các giải pháp của startup nhanh chóng được phục vụ cộng đồng.
Cũng nhờ sự đón nhận cởi mở của các địa phương, doanh nghiệp mà mới đây, Bizverse World đã huy động được 1 triệu USD từ Quỹ đầu tư Risemount Capital, trở thành đối tác của Meta tại châu Á.
Tại TP.HCM, thành phố có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đứng thứ 179 trên thế giới (theo Startuplink), cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo mối liên kết giữa chính quyền, startup và các thành phần trong hệ sinh thái.
Hiện TP.HCM đặt hàng 49 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nhận được 161 hồ sơ đăng ký. Trong 9 tháng đầu năm, đã xét chọn 123 nhiệm vụ, trong đó 85 nhiệm vụ được triển khai thực hiện; triển khai mới 44 nhiệm vụ với tổng kinh phí là hơn 102 tỷ đồng; trong đó, chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị chiếm tỷ trọng cao nhất, 41,67%. Thành phố đã có 124 doanh nghiệp báo cáo thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, với 4,4 tỷ đồng được trích quỹ, hơn 1,3 tỷ đồng số tiền chi sử dụng quỹ.
“Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện đã trở thành tất yếu của cuộc sống với cả khu vực doanh nghiệp, khu vực công và cả xã hội; trong đó doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong. Chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch khác hỗ trợ để đưa startup ra nước ngoài, hỗ trợ sử dụng quỹ khoa học công nghệ để hỗ trợ cho chuyển đổi số doanh nghiệp”, Ông Nguyễn Việt Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết.
Những nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hải Phòng… cũng cho biết đang nỗ lực xây dựng chính sách, cơ chế để mở rộng sự kết nối đầu tư, nguồn lực từ bên ngoài để giải quyết chính các vấn đề của địa phương.
“Cái khó là các bên cũng khó khi không biết đâu là vấn đề cần giải quyết. Để tìm ra vấn đề thì không phải một mình cơ quan nhà nước hay một ông Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ có thể nghĩ được, mà nó phải kết nối các bên. Các địa phương phải vừa kết nối viện trường, chuyên gia nhưng phải kết nối các doanh nghiệp vì họ là người tiếp cận với thị trường gần nhất, họ cũng có những câu trả lời riêng của họ; và kết nối với chính startup để họ trả lời xem hệ sinh thái khởi nghiệp chúng ta đang thiếu gì”, TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bình Dương cho biết.
Tuy nhiên, vị Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bình Dương cũng trăn trở về hiệu quả của việc kết nối các bên hiện nay, nói thì đơn giản nhưng để bắt tay vào thực hiện thì không hề dễ.
(Còn tiếp)