Từ ‘đóng’ đến ‘mở’ hệ sinh thái khởi nghiệp – Bài 2: Con đường từ Hà Nội tới Thung lũng Silicon và thế giới
(DNTO) - Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang nối dài cánh tay của mình đến thế giới nhờ vào cộng đồng 5,3 triệu kiều bào đang sống và làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chơi cuộc chơi toàn cầu
Cuối tháng 9, trong chuyến công tác đến Hoa Kỳ, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số startup, mentor, chuyên gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã đặt chân tới San Francisco, Thung lũng Silicon-San Jose, Austin, Texas, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động hàng đầu thế giới.
Tại đây, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đã bước đầu bắt tay với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon và xây dựng quan hệ hợp tác với mạng lưới các trường đại học tại Texas nhằm kết nối thúc đẩy hoạt động liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước.
Đằng sau sự hợp tác giữa hai hệ sinh thái là dấu ấn của cộng đồng người Việt ở tại Hoa Kỳ. Đó là ông Trí Hoàng, Founder Ai20X, trung tâm ươm tạo khởi nghiệp có nhiều thành công ở Silicon Valley, với hơn 40 năm làm cầu nối giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong phát triển kinh tế và công nghệ. Hay ông Kenrick Nguyễn, CEO công ty công nghệ tài chính Republic; ông Minh Mạc, founder cộng đồng Viet Founders, gồm các doanh nhân, nhà sáng tạo và chuyên gia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước dần ra thế giới, đến Nhật, Hàn, Úc cho đến châu Âu và cả Mỹ, tiến tới bao phủ cộng đồng người Việt tại nước ngoài, để tận dụng nguồn lực từ mạng lưới hơn 5,3 triệu kiều bào, đang sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt trong số đó có tới 10% là đội ngũ tri thức, nhà khoa học, doanh nhân, đang khao khát đóng góp sức mình cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong 5 năm qua, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của người Việt ở nước ngoài.
Hiện, mạng lưới đổi mới sáng tạo người Việt ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, đã được hình thành và đều hoạt động rất mạnh. Các cuộc thi như “Cuộc thi Sáng tạo tăng trưởng sinh viên Hack4SVGrowth” khởi nguồn từ Úc, chương trình “Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn châu Âu – InnoCity” khởi nguồn từ Hà Lan và “Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge” khởi nguồn từ Hoa Kỳ, nhưng hiện đã kết nối giữa nguồn lực đổi mới sáng tạo của người Việt trong nước và trên toàn thế giới.
“Khi nói đến người Việt Nam ở nước ngoài, mọi người hay nói đến lượng kiều hối khoảng 15-18 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên một nguồn lực lớn hơn nữa là nguồn trí lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đây là nguồn lực vô giá mà chúng ta có thể khai thác vào sự phát triển của đất nước”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Phi Vũ, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Úc cũng chia sẻ, hiện rất nhiều người trẻ Việt Nam tại nước ngoài quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đơn cử như tại Hack4SVGrowth, có tới 40 cuộc thi, đề tài đa dạng và nhiều startup nhanh nhạy nắm bắt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là nguồn lực lớn hỗ trợ thị trường khởi nghiệp trong nước.
“Các bạn trẻ hiện cũng xem xét các vấn đề rất thực tế, có khảo sát thị trường, có đề tài thiết thực như dùng công nghệ ứng dụng cho việc phân phối thuốc, dự báo mùa nước nổi của Đồng bằng sông Cửu Long, các đề tài đã đi vào cuộc sống rất nhiều”, ông Vũ cho hay.
Dấu ấn từ Techfest
Sự mở rộng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam không thể không kể đến hoạt động tích cực của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Vietnam).
Techfest là hoạt động chính thuộc khuôn khổ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), một đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được coi là dấu mốc quan trọng khởi đầu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Trải qua 5 năm triển khai, chuỗi hoạt động Techfest Vietnam đã thu hút gần 25.000 lượt người tham dự, hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 1.000 nhà đầu tư tham gia các chuỗi sự kiện qua các năm, trong đó 40% là chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, Techfest đã trở thành mắt xích quan trọng nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với thế giới, khi đã thực hiện gần 500 cuộc kết nối đầu tư và thu hút gần 30 triệu USD cho thị trường khởi nghiệp.
Đáng chú ý, Techfest quốc tế đã tổ chức thành công tại nhiều quốc gia có thị trường khởi nghiệp năng động hàng đầu như Hoa Kỳ (Boston và San Francisco) vào tháng 9/2019, Hàn Quốc (Busan và Seoul) và Singapore vào tháng 11/2019. Những hoạt động này đã bước đầu đã thiết lập mạng lưới đối tác thân cận tại các quốc gia này và thu hút sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, doanh nhân trí thức người Việt ở nước ngoài.
Có thể nói, sau 5 năm hoạt động song hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, Techfest đã làm tốt vai trò trở thành đại sứ quảng bá hình ảnh cho một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở quốc gia đang phát triển, trở thành bà mối mát tay kết nối startup với các nguồn lực từ đối tác trong và ngoài nước.
Ngày 9/2/2021, tại Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 844, nhấn mạnh: “Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 05 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới; Tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Có thể nói, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ tư duy, chính sách cho đến hành động để mở cửa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, sẵn sàng chào đón sự hợp tác nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế. Điều quan trọng cần làm trong thời gian tới là nỗ lực để sự kết nối đó vừa mở theo bề rộng, vừa mở theo chiều sâu.
(Còn tiếp)