Từ ‘đóng’ đến ‘mở’ hệ sinh thái khởi nghiệp - Bài 1: ‘Cú twist’ từ cách tư duy chính sách
(DNTO) - Năm 2022, lần đầu tiên, khái niệm “đổi mới sáng tạo mở” chính thức được đưa vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Tư duy này sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của toàn bộ thị trường khởi nghiệp trong giai đoạn mới.
Vì sao lại “mở”?
Năm 2021, Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục lên tới 1,5 tỷ USD rót vào thị trường khởi nghiệp. Cùng với đó là sự hiện diện của 4 kỳ lân (startup tỷ đô) và 10 startup định giá trên 100 triệu USD. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam còn hạn chế (khoảng 1 doanh nghiệp/140 người dân, trong khi khu vực ASEAN là 1 doanh nghiệp/80-100 người dân), đồng thời chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, sau 5 năm xây dựng thị trường khởi nghiệp (2016-2021), dù Việt Nam đã có 4 kỳ lân nhưng tính trên tổng số gần 4.000 startup thì con số này vẫn còn rất hạn chế, so với thị trường Ấn Độ, mỗi năm đều có thêm hàng chục kỳ lân mới.
Bước sang năm 2022, cũng là năm Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế, yêu cầu mới đặt ra cho thị trường khởi nghiệp, không chỉ tăng quy mô và số lượng doanh nghiệp, mà còn phải hỗ trợ để có thể nuôi dưỡng nhiều startup thành kỳ lân. Muốn làm được điều này, cần huy động nguồn lực rất lớn từ xã hội.
Cuối năm 2021, khái niệm đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) lần đầu tiên được các nhà chính sách của Việt Nam nhắc đến khi nói về kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước sau 5 năm xây dựng và sau 2 năm bước qua đại dịch Covid-19.
Chia sẻ về sự khác biệt của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp thông thường chỉ gồm những startup, mentor (cố vấn), đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư hay nhà đầu tư thiên thần. Như vậy, hệ sinh thái bị đóng và các thành phần cứ loanh quanh trong đó.
Nhưng hai năm trở lại đây, các tập đoàn, tổng công ty mới phát hiện ra một điều, họ cần ý tưởng sáng tạo vì họ đang thiếu ý tưởng sáng tạo. Và các ý tưởng sáng tạo lấy ở chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang có. Đó là lý do các tập đoàn, địa phương, đơn vị đào tạo như trường đại học… được đưa thêm vào hệ sinh thái.
“Các tập đoàn, công ty, địa phương chính là người đặt hàng cho startup có ý tưởng sáng tạo. Và khi tham gia giải quyết bài toán của tập đoàn, các startup sẽ được những doanh nghiệp đi trước, có kinh nghiệm, thành công, hỗ trợ, trả tiền cho giải pháp của mình. Đây là mối quan hệ có đi có lại. Chính vì vậy, con đường này là con đường nhanh nhất để các ý tưởng sáng tạo được sử dụng, phát huy và hình thành các startup mới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo Enamotive, lợi thế của đổi mới sáng tạo mở giúp nhân đôi tỷ lệ thành công tới 80%, gia tăng 40-60% năng suất làm việc, tốc độ đổi mới sáng tạo gấp 3 lần so với mô hình truyền thống. Đó cũng là lý do trên thế giới, hệ sinh thái đối mới sáng tạo đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ “đóng” sang “mở”.
Theo báo cáo “Lifting The Lid On Corporate Innovation In The Digital Age” của MIT và Capgemini năm 2020, xu hướng tìm kiếm các nguồn đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp chuyển dịch, giảm tỉ lệ từ phòng nghiên cứu phát triển nội bộ từ 69% năm 2020 xuống còn 29% năm 2025, từ nhân viên công ty giảm từ 49% xuống còn 10%. Ngược lại, các doanh nghiệp mở rộng nguồn đổi mới sáng tạo bằng việc kết hợp với các phòng Lab bên ngoài, tăng từ 33% năm 2020 lên 71% năm 2025; từ startup tăng từ 10% lên 44%.
Con đường đến các hành động
Bà Phạm Thu Hằng, Chủ tịch Nền tảng Đổi mới sáng tạo Bambuup nhận định, với sự phát triển của công nghệ, một doanh nghiệp ở Israel thông qua mạng internet hoàn toàn có thể kết nối, cung cấp dịch vụ dễ dàng cho một doanh nghiệp Việt Nam. Hay một doanh nghiệp Việt Nam có thể làm outsourcing (thuê ngoài) cho các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến môi trường trong các tổ chức, doanh nghiệp không đóng được như trước nữa.
"Vì thế, tương tự với triết lý về đổi mới sáng tạo cho phép lấy các nguồn lực, động lực từ bên ngoài để vun đắp cho nội tại của doanh nghiệp, sẽ tạo ra cơ hội cho vô vàn cho các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", bà Hằng nhận định.
Nhanh chóng hòa nhịp với khu vực và thế giới, Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, nhằm tạo động lực cho phát triển khoa học công nghệ, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội.
“Kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở được Singapore và một số nước Đông Nam Á phát triển trong 2 năm trở lại đây, và khi tiếp cận, chúng tôi thấy phù hợp và sẵn sàng tạo điều kiện phát triển như một nguồn lực đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Vì vậy trong năm nay, Bộ Khoa học Công nghệ đứng vai trò đầu mối để tiếp tục nghiên cứu, kết nối các thành tố để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược nêu ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở và mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới.
Đây cũng là lần đầu tiên giải pháp đổi mới sáng tạo mở được đề cập chính thức, từ đó khẳng định vai trò của nó trong đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nói riêng; đồng thời cũng mở ra hành lang mới cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Lý Đình Quân, Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở là câu chuyện lớn liên quan đến đa văn hóa, đa nguồn lực, gắn kết yếu tố sáng tạo, không chỉ thúc đẩy việc hỗ trợ khởi nghiệp mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế theo hướng đưa tri thức vào đa lĩnh vực, phục vụ cho quá trình thương mại hóa thông qua các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp hoạt động khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, rút ngắn con đường từ sáng chế ra thị trường.
Do vậy, điều khó nhất là làm sao để gắn kết nguồn lực đó, duy trì, tương tác, hoạt động thường xuyên. Điều này đòi hỏi tư duy của nhà quản lý, nhà khoa học, của doanh nhân cũng phải "mở" để kết nối lại với nhau và đồng bộ hóa bằng tri thức, bằng văn hóa và sự tôn trọng. Mỗi thành tố đó phải thay đổi tư duy để phù hợp với một hệ sinh thái mở.
(Còn tiếp)