Thứ Trưởng Trần Thanh Nam: 'Phải tạo lập hệ sinh thái tiêu thụ nông sản'
(DNTO) - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết, đưa sản phẩm vào các nhà máy chế biến để tạo lập hệ sinh thái tiêu thụ nông sản.
Để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả", ngày 13/01, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đặt câu hỏi "Làm sao phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt? Làm sao tránh việc bộ cứ thi thoảng phải xử lý khủng hoảng?”
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods, nếu nói về chuỗi, thường nói đến 4 mắt xích: Giống, vùng trồng, sản xuất – logicstic, tiêu thụ.
Về giống, ông Hùng mong muốn Bộ NN&PTNT hạn chế nhập khẩu những giống mà doanh nghiệp trong nước đã chủ động.
“Nafoods đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm nên giống chanh leo thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ với các đơn vị nhỏ lẻ làm giống giả. Đây là việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Không thể để việc một hộ chỉ bỏ ra vài chục triệu để làm giống giả, rồi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu”, ông Hùng cho hay.
Đồng thời, ông Hùng cho rằng, cần đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng. “Tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn”.
Ông Hùng cho hay, gần như “Trung Quốc đã bao hết thanh long”, theo đó, doanh nghiệp nước bạn yêu cầu phun thuốc gì thì phun, nông dân không biết, đây là vấn đề cần đặt ra với cơ quan quản lý.
Về truy xuất nguồn gốc, Nafoods khẳng định đơn vị này đã đi tiên phong. Còn về việc xây dựng nhà máy chế biến, ông Hùng kiến nghị Bộ NN&PTNT cho doanh nghiệp vay ưu đãi bằng vốn từ ngân sách.
Cũng theo ông Hùng, thực tế có những nhà máy chỉ hoạt động được 30%. Nafoods đang chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ để mở rộng đầu tư nhà máy giai đoạn 2 ở Long An, bên cạnh đó, sẽ khởi công ở Pleiku một nhà máy đóng gói, chế biến trái cây, đặc biệt là chanh leo. Tại Tây Ninh, Nafoods đang chủ trì cùng tỉnh này quy hoạch khu công nghệ cao 1.800ha...
“Chúng tôi cũng mong muốn đề xuất với lãnh đạo bộ và các địa phương về kinh phí xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam. Hiện chúng ta làm cũng đã có tiến triển, nhưng nhìn sang Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc thì vẫn hơi buồn. Ví dụ ở Dubai, chúng tôi muốn đăng ký 40m2 nhưng chỉ được 9m2 thì thật sự rất khó làm. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, nhưng mong các cơ quan nhà nước tạo điều kiện hơn", ông Hùng trăn trở.
Bên cạnh đó, ông Hùng đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua, tranh bán.
“Doanh nghiệp phải nắm tay nhau như ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Tôi lấy ví dụ, Nafoods với Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với giá 4.500đ, song có doanh nghiệp nhỏ vừa ra mắt đã rao giá 4.000đ. Sản lượng của họ ít, thậm chí là không có. Song khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Thiệt hại theo chuỗi như thế là điều rất đáng buồn”, ông Hùng chỉ rõ.
Về phần mình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, hiện nay các nhà máy chế biến đang rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.
Trên cơ sở đó, ông Nam nhấn mạnh, muốn xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã…: "Cùng với xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào các nhà máy chế biến. Để sản phẩm được thu mua vào các nhà máy cần chuyển biến về tư duy nhận thức để hình thành chuỗi liên kết chế biến, tạo lập một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản".
Xây dựng trung tâm kết nối thông tin thị trường để kiểm soát tốt hơn
Tại diễn đàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết, năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc.
“Điều đó cho thấy, đây là cuộc chơi mang tính cá nhân của các thương nhân, thương lái Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, tình hình diễn biến thị trường”, ông Viên nhận định.
Theo đó, ông Viên cho rằng để xây dựng những đầu mối trong nước kết nối thông tin thị trường Trung Quốc bằng đường biên mậu, thậm chí theo đường chính ngạch, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng.
“Hiện nay, các thương nhân Việt Nam sẽ đứng ra làm điểm thu mua và bán sang biên giới. Nếu không bán được sang biên giới thì họ sẽ không bán được cho ai khác. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi. Chưa kể đi chính ngạch sẽ bị áp thuế VAT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần”, ông Viên phân tích.
Theo đó, ông Viên đề xuất các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Vấn đề cối lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin sau đó phân bổ cho các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường.