Thứ trưởng Trần Thanh Nam: 'Tất cả phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt'
(DNTO) - "Hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít…, đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại mắc việc thiếu vỏ container. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp cùng tháo gỡ. Tất cả phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói.
Cấp tốc tìm đầu ra cho 300.000 tấn thanh long đang vào vụ
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" ngày 06/01, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cho biết, hiện nay, Trung Quốc - thị trường chủ lực của Việt Nam đóng biên, khiến hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.
Cụ thể, ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết trong quý I/2022 này, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Các thương lái đang thu mua chậm, một số nơi thậm chí ngừng thu mua. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000- 4.000 đồng/ kg.
Nêu thêm về thực trạng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng lại không phân bố đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý một và bốn tập trung khoảng 60% sản lượng.
"Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ và phát triển mạnh ở các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Riêng 3 địa phương này đã chiếm tới 240.00 tấn vì vậy, phải tìm các giải pháp hỗ trợ các địa phương để tiêu thụ loại trái cây này", ông Tùng chia sẻ.
Vừa "gỡ" nút thắt thị trường Trung Quốc, vừa mở thêm thị trường mới
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay để trái cây của Việt Nam, trong đó có thanh long xuất qua Trung Quốc thuận lợi, không để ách tắc là các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần khắc phục được vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng khi đưa sang Trung Quốc, bởi hiện nay, Trung Quốc vẫn cương quyết với mục tiêu "Zero Covid".
Đặc biệt, ông Đặng Đình Long - CEO của Công ty Logistics Mega A đưa ra là, hiện nay trái thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khó khăn ở các cửa khẩu đường bộ, còn nếu xuất khẩu theo đường biển vẫn rất thuận lợi. Do đó, các doanh nghiệp cần chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển.
“Bộ NN&PTNT cần kết nối với Bộ Giao thông Vận tải và các hiệp hội logictics để cùng ngồi lại với các hãng tàu của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc… để tính toán lượng hàng cần gửi đi, thống nhất với chủ hãng tàu có thể cung cấp bao nhiêu tàu một tuần, mỗi tàu có được bao nhiêu container để doanh nghiệp chủ động, bởi xuất khẩu thanh long trong thời gian tới sẽ rất bế tắc nếu không có container lạnh” ,ông Long đề nghị.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, để xuất khẩu bền vững, lâu dài, Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.
“Để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Minh thông tin.
Chỉ đạo tại Diễn đàn, đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Khắc Huy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để có kiến nghị chung về việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa qua đường biển.
Đồng thời, nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho trái thanh long thông qua các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
"Song, chúng ta cũng cần thay đổi tư duy, bởi sai lầm của các doanh nghiệp và người trồng thanh long là chỉ "đi một chân", tức là chỉ chú trọng xuất khẩu mà quên mất 98 triệu người tiêu dùng Việt Nam", ông Nam nêu rõ và đề nghị, cần thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa cho trái thanh long trong dịp Tết Nguyên đán này, kêu gọi các tập đoàn sở hữu các chuỗi bán lẻ cùng vào cuộc, các địa phương cũng cần chủ động tăng cường các cuộc kết nối thị trường, không thụ động “ngồi chờ” hỗ trợ.
"Đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.