Thứ trưởng Trần Thanh Nam: 'Thị trường nội địa là điểm tựa an toàn cho doanh nghiệp lúc này'
(DNTO) - "Tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi Chúng ta cần có định hướng phù hợp, cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh rủi ro trong xuất khẩu, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu đang trong tình trạng "dầu sôi lửa bỏng"
Phát biểu tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa", sáng 31/12, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT Lê Thanh Hòa, cho biết, trong khi Việt Nam chủ trương sống chung với đại dịch, thì Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách “Zero Covid”, dẫn đến việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào nước này rất chặt chẽ, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản đông lạnh như thủy sản, rau quả…, sẽ được lấy mẫu kiểm dịch trên tất cả bao bì, phương tiện vận chuyển cũng như sản phẩm. Đặc biệt, mới đây, phía Trung Quốc đã chính thức dừng thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
“Chính những biện pháp kiểm soát này đã khiến tốc độ xuất khẩu rất chậm chạp. Năng suất thông quan bình thường qua các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh khoảng 400 xe thì nay chỉ còn từ 30 đến 50 xe một ngày. Tình hình hiện nay đang hết sức khó khăn”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, từ nay đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh dự kiến thu hoạch 120.000 tấn thanh long. Đây là sản lượng rất lớn cần tiêu thụ trong mùa tết. Song, hiện nay tiêu thụ thanh long Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, mà phần lớn là đi qua đường tiểu ngạch tiểu ngạch.
"Tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc còn căng thẳng. Các chính sách xuất nhập khẩu sắp tới của Trung Quốc cho thấy 1 tháng tiếp theo mặt hàng thanh long gần như không thể đi qua thị trường nước này. Điều này khiến giá thanh long đang sụt giảm mạnh", ông Tấn lo ngại.
Ông Tấn thông tin, trước đó, giá thanh long ruột đỏ đang ổn định từ 29.000-32.000 đồng/kg thì 3 ngày trước xuống còn 25.000 đồng/kg. Giá thanh long ruột trắng từ 18.000-19.000 đồng/kg, 3 ngày trước giảm chỉ còn 12.000-14.000 đồng/kg.
"Rất nhiều vựa thu mua đã đóng cửa. Chỉ còn 1 số ít vựa thu mua, nhưng chỉ thu mua rất hạn chế lượng thanh long loại 1, hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tỉnh còn tồn 400-500 xe thanh long, cả tháng nay. Tình hình khá cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm Tết”, ông Tuấn nói.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho biết, trái dưa hấu và thanh long của tỉnh cũng đang trong tình cảnh "dầu sôi lửa bỏng". Trước đó, các thương lái đã chấp nhận thu mua thanh long cho bà con nông dân với giá 22.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến khi các cửa khẩu biên giới phía Bắc ngừng thông quan hàng hóa đi Trung Quốc, hàng loạt nhà kho đóng cửa, hủy hợp đồng, không thu mua thanh long của thương lái. "Hàng loạt thương lái phản ứng gay gắt, đòi chủ kho đền bù thiệt hại vì tổng số tiền thương lái đặt cọc thu mua cho nông dân lên đến 100 tỷ đồng", bà Khanh trần tình.
Chia sẻ thêm những khó khăn, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên. Ðến nay, hơn 1.600 xe container hàng hóa phải nằm chờ thông quan, đặc biệt hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe, thủy hải sản tồn 139 xe...
Thay đổi tư duy, nhìn nhận tiềm năng thị trường nội địa
Để tránh ùn tắc nông sản tại cửa khẩu như thời gian qua, chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP tập đoàn Transin đưa ra giải pháp vận tải bằng đường sắt. Cụ thể, Transin phối hợp Cục Đường sắt Việt Nam sẽ chuyển hàng từ điểm tập kết ở ga Yên Viên đến ga Đồng Đăng, rồi qua Bằng Tường, Nam Ninh.
"Tính cả thời gian dừng, chờ tại điểm trung chuyển, tổng thời gian khoảng 24 giờ. Năng lực vận tải hiện là 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container. Đây là một năng lực rất đáng kể, ông Tuấn chia sẻ.
Thông tin tại Diễn đàn, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết, hiện nay Công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới.
Cụ thể, mỗi ngày Công ty tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài. Thời gian qua, Công ty cũng đã kếp hợp với Đồng Tháp, Tiền Giang để có nguồn cung phục vụ chế biến nông sản.
“Hiện nay chúng tôi vẫn chế biến xoài với số lượng lớn. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, Công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, ông Khuê cho biết.
Là doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.
Bên cạnh việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở 7 tỉnh thành trải dài từ Bắc vào Nam, ông Nguyễn Thái Dũng còn thông tin BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình.
“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Dũng cho hay.
Chỉ đạo tại Diễn đàn,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, trong đó có những trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu...đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới, đây là tín hiệu rất đáng mừng.
“Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy để thích nghi, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích. Thời gian qua, dù thông tin rộng rãi trên báo chí về việc ngừng xuất khẩu thanh long, nhưng xe vẫn cứ ùn ùn lên cửa khẩu, trong khi các siêu thị trong nước rất cần tìm mua thanh long nhưng không được", Thứ trưởng nói.
“Có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, chúng ta cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.
Tổng kết ý kiến của nhiều địa phương, Thứ trưởng Nam cho biết hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu Trung Quốc gần như đóng cửa. “Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối”.