Thứ trưởng Trần Thanh Nam: 'Loại bỏ những chuỗi cung ứng không đảm bảo yêu cầu'
(DNTO) - “Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn, chất lượng, cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Hà Nội hiện tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản
Sau những đợt giãn cách kéo dài, nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ của người dân, đặc biệt vào các dịp lễ cuối năm sẽ tăng cao. Theo đó, nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng tăng trong dịp này.
Tại Diễn đàn Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông - lâm - thủy sản giữa Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố tại ba miền Bắc - Trung - Nam, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là một trong thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước.
Trong khi đó, Hà Nội hiện tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản và nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội, dự báo sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ tết, kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin, mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội cần 92.970 tấn gạo (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn).
Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu tiêu dùng hơn 5.000 tấn thủy hải sản; 5.165 tấn thực phẩm chế biến (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn); 103.300 tấn rau củ (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn); 52.000 tấn trái cây (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn)…
“Một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn, do đó Sở Công thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, bà Lan dự báo.
Vì vậy, Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ tết và kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội, đồng thời thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị cung ứng hàng hoá.
"Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Market, BigC, Aeon Mall; đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu", bà Lan chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tại địa phương vẫn còn hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản trong khi không ít nhà máy, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu. Mặt khác, các nhà thu mua không đủ dữ liệu thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm, tiêu chuẩn chất lượng, đầu mối cung cấp để liên hệ thu mua. Vì vậy về lâu dài, các địa phương cần có sự liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng chỗ thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.
"Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn", ông Quyền cho hay.
Người dân trong nước phải được sử dụng sản phẩm chất lượng tương đương hàng xuất khẩu
Tham gia ý kiến tại diễn đàn, đại diện nhiều tỉnh, thành mong muốn được kết nối với thị trường thủ đô, để người dân thủ đô được thưởng thức các món ăn đặc sản từ các vùng như Quảng Ninh, Kiên Giang, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bắc Kạn…
Tuy nhiên hiện nay, trên hệ thống phân phối của thủ đô vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí về số lượng, sản lượng, chất lượng cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, số lượng những sản phẩm mang tính vùng miền, sản phẩm OCOP còn rất ít nên việc vận chuyển, tạo đà xuất khẩu vẫn còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm thủy sản, an toàn thực phẩm (ATTP) là cốt lõi nâng cao giá trị, phát triển bền vững nông nghiệp.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình phối hợp, phát triển rau an toàn, chuỗi cung ứng cho thủ đô, nhằm đảm bảo những yêu cầu của cả thị trường xuất khẩu lẫn nội tiêu, tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi cung ứng hàng hóa, an toàn được cao lên. Mục tiêu là đẩy mạnh liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.
Chương trình sẽ được thực hiện từ giờ đến năm 2025 với 3 nội dung: Duy trì kết quả, nhân rộng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn, ít nhất 10% năm. Tiếp đến là nâng thành chuỗi giá trị, không chỉ an toàn mà còn chất lượng, thương hiệu, bao bì, mẫu mã. Cuối cùng là hỗ trợ chuỗi ngành hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thống nhất rằng làm thế nào để người dân trong nước được sử dụng hàng hóa có chất lượng tương đương hàng xuất khẩu”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, đồng thời, đưa ra 5 ý kiến tới các địa phương và hệ thống phân phối.
Thứ nhất, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất dư cung.
Thứ hai, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm. Người dân Hà Nội sẵn sàng mua đặc sản, sản phẩm chất lượng tốt với mức giá cao.
Thứ ba, đề nghị các tỉnh tiếp tục cung cấp đầu nối cung ứng nông sản để kết nối hệ thống phân phối, giảm chi phí logistics trong điều kiện dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Thứ tư, đề nghị hệ thống phân phối tiếp tục công khai tiêu chuẩn, tiêu chí và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương để nắm bắt, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện gia nhập kênh phân phối, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Thứ năm, đề nghị các nhà phân phối tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương.