Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ thận trọng nới lỏng cho vay để hạn chế nợ xấu
(DNTO) - "Do tác động của dịch, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Từ nay tới cuối năm, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là thận trọng nới lỏng điều kiện cho vay nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu", ông Đào Minh Tú nhận định.
Những con số đáng quan ngại về tỷ lệ nợ xấu nội bảng
Tính đến cuối tháng 9/2021, các ngân hàng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các ngân hàng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lũy kế từ 15/7 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính đến cuối tháng 9/2021 cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng. Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, từ nay tới cuối năm còn dư địa tăng trưởng tín dụng hơn 4,5% (mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 12%). Nếu đến cuối năm, nhu cầu nền kinh tế cao và kiểm soát được lạm phát, NHNN sẵn sàng mở thêm, nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn.
“Trong bối cảnh đại dịch khốc liệt, NHNN sẵn sàng đồng hành với người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn phải chú ý đến tiềm ẩn, rủi ro nợ xấu trong tương lai nhằm giữ an toàn hệ thống; đồng thời thận trọng điều chỉnh chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Ngoài ra, trong trung và dài hạn, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn, mức độ lây lan nhanh hơn thì sẽ dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Cũng theo ông Tú, do tình hình khó khăn, nợ xấu hiện tăng tốc độ khá nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên đến 2%, nợ xấu tiềm ẩn có thể lên tới 8%.... Mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.
Thực tế, tuy cũng khó khăn do giãn cách xã hội những tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực và mới đây nhất là Thông tư 14 được ban hành theo hướng kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ. Điều này kéo theo nợ tái cơ cấu do dịch bệnh của các ngân hàng cũng tăng vọt gần đây, vì vậy tỷ lệ dự báo trên của nhà điều hành là có cơ sở.
Nhìn vào những dữ liệu vĩ mô của nền kinh tế càng củng cố xu hướng nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Mới đây, theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% và 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ... Các dữ liệu như chỉ số sản xuất công nghiệp hay quản trị nhà mua hàng (PMI) công bố những tháng gần đây cũng cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Điều này đồng nghĩa với việc vai trò hỗ trợ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, khi gánh nặng nợ xấu làm suy giảm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng kéo theo chiến lược phát triển sẽ chặt chẽ hơn và cẩn trọng hơn.
Ngân hàng giải bài toán nợ xấu thế nào?
Sau 5 năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, cùng với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 42, giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì giờ đây vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trở lại lên mức cách đây 4 năm.
Nếu so với quy mô vốn điều lệ hiện nay, cũng như so với lợi nhuận tạo ra trong một năm của các ngân hàng thương mại, số nợ xấu trên là khá lớn. Dĩ nhiên, trong số nợ xấu này vẫn có một lượng tài sản bảo đảm nhất định cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là liệu con số nợ xấu có dừng lại đó, hay sẽ còn tiếp tục tăng khi chưa biết dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp ra sao trong giai đoạn tới, và ảnh hưởng như thế nào lên nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp, người lao động nói riêng.
Đáng lo ngại hơn là một khi khoản vay đã bị chuyển thành nợ xấu, các doanh nghiệp rõ ràng sẽ khó có thể tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng, nếu không có một chính sách hỗ trợ thiết thực hay những quy định hiện nay được điều chỉnh, thay đổi linh hoạt hơn. Ngoài ra, môi trường đầy rủi ro cũng sẽ khiến không ít ngân hàng buộc phải thắt chặt các điều kiện cho vay.
Trước tình thế nguy cơ nợ xấu gia tăng, các ngân hàng có thể có các phương án: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ khách hàng được xác định gặp khó khăn thật sự thông qua các biện pháp tái cơ cấu và giảm thêm lãi suất cho vay. Thứ hai, đối với những khoản nợ tốt hiện hữu, các ngân hàng sẽ ít có động lực giảm lãi suất cho vay, để có thể bù đắp lại những thiệt hại vì nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đang gia tăng.
Đồng thời, để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, từ ngày 1/10, Thông tư 11 của NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có hiệu lực. Theo đó, việc trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm sẽ giúp các TCTD cân đối nguồn lực trong việc hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), gói cấp bù lãi suất được ban hành lúc này là rất cần thiết bởi tác động của dịch bệnh khiến doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói này nên cần chờ thêm thời gian nữa.
"Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Trong khuyến nghị của mình, Ngân hàng Thế giới cho rằng NHNN cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm ẩn ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.