Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: 'Ngân hàng phải cộng sinh cùng doanh nghiệp'
(DNTO) - Theo Chủ tịch Vietravel, ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, bởi câu chuyện của doanh nghiệp cũng chính là câu chuyện của ngân hàng, cả hai phải giải quyết cùng nhau, cùng chia sẻ để vượt qua đại dịch.
“Ngân hàng phải tính lại”
Dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đợt dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào kiệt quệ, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch.
Phát biếu trong buổi đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cay đắng cho biết, từ một doanh nghiệp tới 1.700 lao động, tới nay Vietravel chỉ còn khoảng 20 lao động cố gắng duy trì hoạt động công ty. Dịch bệnh đã kéo công ty đi lùi 13-14 năm về trước.
Không chỉ Vietravel nói riêng mà rất nhiều doanh nghiệp khác thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đang cần một sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là phía ngân hàng. Tuy nhiên theo ông Kỳ, những chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Kỳ dẫn ví dụ: "Doanh nghiệp tạm gọi là trâu đi cày, khi nó ốm, mọi người đứng xung quanh. Người thì bảo cho ăn cỏ, người bảo cho uống nước, người bảo đắp chăn, nhưng không ai làm, người nào cũng sợ động vào là mất sức, chân tay bẩn, mấy người bàn xong thì kết quả con trâu chết".
Hiện tại, phải làm sản xuất kinh doanh thì bạn mới biết được các doanh nghiệp khó khăn thế nào. Nguyên nhân khiến tăng tỷ lệ người mất trong đợt dịch bệnh vừa qua một phần đến từ việc thiếu oxy và người bệnh không được chuyển viện kịp thời. Doanh nghiệp cũng vậy, đa phần doanh nghiệp giải thể vừa qua là do "thiếu oxy", chính là dòng tiền suy cạn. "Vậy mà chúng ta cứ bàn cho nó bao nhiêu oxy, quan trọng nhất là lắp cho nó cái bình oxy trước đã. Chống dịch như chống giặc", ông Kỳ nhận định.
Ngân hàng là một doanh nghiệp và câu chuyện doanh nghiệp cũng là câu chuyện ngân hàng. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng cũng vừa trả lãi cho ngân hàng. Còn nếu doanh nghiệp không có doanh thu, không còn dòng tiền, làm sao trả lãi cho ngân hàng. "Con trâu đứng không nổi làm sao cứ bắt nó đứng dậy", ông Kỳ ví von.
Do đó, theo ông, ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi cùng lại với nhau, cùng nhau chia sẻ để vượt qua đại dịch, đừng để tình trạng "lúc cần thì bảo hai chúng ta là một, khi doanh nghiệp cần lại bảo tuy một là hai, như thế là không được, cần phải xem lại". Cũng theo ông, hiện vẫn còn ngân hàng còn chậm trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.
"Chính phủ phải coi doanh nghiệp là đối tác"
Dẫn câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Kỳ cho biết, với hơn 1.700 lao động mà không còn tiền để trả lương nhân viên, ông thấy như mình có lỗi. Vì vậy, theo ông doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ nhà nước thông qua các định chế, cơ chế, phương tiện để giúp doanh nghiệp.
"Chính phủ phải coi doanh nghiệp là đối tác, không nên coi là đối tượng. Thứ hai, người quản lý nhà nước hãy chọn cái gì tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân để làm chứ đừng chọn cái gì an toàn nhất cho mình", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu Vietravel đặt vấn đề: "Tại sao không có động thái cứu doanh nghiệp?" khi mà tỷ lệ nợ công trên GDP là 56% trong năm nay, thặng dư ngân sách của chúng ta là 83.000 tỷ đồng, lạm phát 3,1%, dự trữ ngoại hối trên ba con số, tiền đồng Việt Nam đang mạnh lên. Và nếu Việt Nam sợ lạm phát như năm 2009 thì không hợp lý, bởi cách làm hiện nay đã khác xa rồi.
"Doanh nghiệp phát triển, đóng thuế, tăng thu cho Nhà nước. Cái được của nền kinh tế lớn, đời sống người dân cao lên, chi phí tiêu dùng tăng, tất cả đều tăng. Tuy nhiên, lúc này phải giải quyết nhiều về vấn đề tư tưởng", ông cho biết.