Kinh tế 10 tháng 2023: Sắc xám vẫn chưa tan, tăng trưởng khó cán đích như kỳ vọng
(DNTO) - Dù có những dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, song hoạt động xuất nhập khẩu có chiều hướng không thuận lợi, tổng thu ngân sách tiếp đà giảm tốc, số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 20% so với cùng kỳ..., cho thấy khó khăn, thách thức còn rất lớn, GDP khó cán đích như kỳ vọng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), ngày 29/10, cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng hơn 4% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 10 tháng tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò "đầu tàu" tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp khi đóng góp nhiều nhất với 0,7% vào mức tăng chung, kế đến là các ngành sản xuất phân phối điện, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, ngành khai khoáng.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tháng 10 ước đạt 65.700 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt gần 480.000 tỷ đồng, gần bằng 66% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10 đạt gần 26 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ trước, vốn FDI thực hiện 10 tháng ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536.000 tỷ đồng, tăng 7%. Tính chung 10 tháng ước đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước (nhưng vẫn chỉ bằng 70% năm 2019).
Tuy nhiên, những gam màu sáng yếu ớt vẫn chưa đủ xua tan đi bầu không khí u ám đang bao trùm, tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 558 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt hơn 291 tỷ USD, giảm 7%; Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt gần 267 tỷ USD, giảm hơn 12%. 10 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước.
Trong 10 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 67.1 tỷ USD giảm 17.2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23.7 tỷ USD, giảm 12.4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1.6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 317 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 40.5 tỷ USD, giảm 23.4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23.4 tỷ USD, giảm 27.6%; nhập siêu từ ASEAN 6.5 tỷ USD, giảm 38.2%.
Đáng chú ý, có gần 147.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 10 tháng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,2 tỷ đồng, giảm 11,7% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trên nền xám của bức tranh kinh tế, sau 10 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước vẫn tiếp đà giảm tốc trong khi chi ngân sách tăng 11,4% nhằm đảm bảo các nhu cầu phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau thu nội địa tháng 10/2023 ước đạt 145,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán năm và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp mới thành lập có thể "sống" được
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra và dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%. Quốc hội đánh giá, kết quả trên mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.
Để nền kinh tế bứt phá, GS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, với nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cần "đột phá" ở đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bộ Chính trị vừa qua có nghị quyết về phát triển doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới, nên cần sớm thể chế để đội ngũ này hiện thực hóa giấc mộng đưa nền kinh tế "hóa rồng".
Nhấn mạnh cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nhân phát triển, ông Ngân cho rằng “3 năm nhìn lại nguồn thu ngân sách không giảm, với tổng thu khoảng 5 triệu tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch 5 năm. Như vậy, chúng ta đã “lấy” của doanh nghiệp và người dân nhiều rồi. Do đó sớm “bồi dưỡng” trở lại cho doanh nghiệp, người dân”.
Rõ ràng, doanh nghiệp đang rất khó khăn, biểu hiện rõ nhất khi gần 1 năm qua, mỗi tháng gần 15.000 doanh nghiệp đóng cửa. Cần thẳng thắn nhìn nhận, nếu doanh nghiệp mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau 3 - 6 tháng, trong khi đó doanh nghiệp “đóng cửa” gây tổn thất cho nền kinh tế ngay lập tức. .. Do đó, theo ông Trần Hoàng Ngân, cần có hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp.
Hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thậm chí giảm sâu hơn, tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới. Về hỗ trợ gián tiếp, trước hết cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, xây dựng nền công vụ phục vụ hiệu quả đem lại năng lượng cho doanh nghiệp để họ không nản lòng.
“Địa phương nên có tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hành chính. Doanh nghiệp cần mở nhà máy thì gọi tổ công tác đó hướng dẫn đường đi nước bước, sẽ giúp chi phí giảm rất nhiều”, ông Ngân đề xuất.
Thêm nữa là giải quyết bài toán về thủ tục vay vốn. Hiện nay điều kiện vay, nguyên tắc cho vay của ngân hàng là không thay đổi, vì đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần dùng ngân sách hỗ trợ quỹ bảo lãnh tín dụng, từ đó đảm bảo thì ngân hàng cho doanh nghiệp vay.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhấn mạnh, phải làm sao để doanh nghiệp “sống”, vì doanh nghiệp là nền tảng quốc gia. “Tôi đề nghị Quốc hội có một nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới để phục hồi kinh tế, bao gồm cả hỗ trợ thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp không bị tác động bởi lực lượng này, lực lượng kia thỉnh thoảng xuống hỏi, thỉnh thoảng xuống thanh tra làm người ta mất nhuệ khí đi”.