Không phải nguồn vốn, khó nhất với các nền tảng blockchain là thu hút người dùng
(DNTO) - Các nền tảng blockchain ngày nay đều hướng tới phát triển bền vững bằng cách tạo ra các giá trị thực để thu hút người dùng và khiến người dùng đồng ý trả tiền cho họ.
Không phải công nghệ hay nguồn vốn, mà “user” (người dùng) chính là từ khóa được các chuyên gia trong lĩnh vực blockchain nhắc đi nhắc lại trong thời gian gần đây. Điều này là khá dễ hiểu vì sau giai đoạn thăng hoa của thị trường blockchain với nhiều dự án “bánh vẽ” thổi bay hàng trăm tỷ USD của các nhà đầu tư, thị trường ngày nay đang phải sắp xếp lại. Dù dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chuỗi khối đã dồi dào trở lại, nhưng sự thận trọng của các nhà đầu tư vẫn còn và yêu cầu của họ ngày càng cao hơn.
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết thị trường đầu tư đang quan tâm đến thuật ngữ mới là Real-Yield (lợi nhuận thực tế), đó là những dự án làm thật và có lợi nhuận thực sự. Để có lợi nhuận thật, các dự án phải chú trọng xây dựng sản phẩm để thu hút, giữ chân người dùng.
Điều này đặt cho các startup blockchain nhiều thách thức mới. Như Aptos, nền tảng blockchain Lớp thứ nhất (Layer-1) được phát triển bởi các cựu nhân viên của Facebook, dù đã thiết lập kỷ lục với 115,4 triệu giao dịch trong một ngày hồi cuối tháng 5, nhưng Kevin Ang, Trưởng Nhóm phát triển tại Aptos Foundation vẫn khẳng định mạng lưới cần duy trì được những hoạt động định kỳ, dài hạn để giữ chân người dùng của mình.
“Chúng tôi luôn không ngừng tạo điều kiện cho các ứng dụng có môi trường xây dựng thân thiện, để mang đến các Dapp (ứng dụng phi tập trung) hữu ích cho cộng đồng. Điều này quan trọng hơn việc Aptos đã vượt qua Solana về số lượng giao dịch blockchain trong một ngày”, Kevin Ang nói.
Tương tự như ở Viction và Ninety Eight (trước là Coin98 -công ty công nghệ blockchain có hơn 8 triệu người dùng ở 170 nước trên thế giới), cũng cho biết đang xây dựng một “siêu ví” (super wallet) giúp người dùng tiếp cận và dễ dàng sử dụng web3. Mục đích để có thể chuyển đổi người dùng ví trở thành người dùng trung thành của doanh nghiệp.
Như vậy, muốn có được người dùng, các nền tảng blockchain phải có đa dạng các ứng dụng, giao thức... được xây dựng trên đó. Trong khi để xây dựng các ứng dụng, giao thức chất lượng, hấp dẫn thì phải có đội ngũ các nhà phát triển có trình độ, kinh nghiệm. Vì vậy, bên cạnh thách thức phải giữ chân khách hàng, các nền tảng blockchain Lớp thứ nhất cũng phải tìm cách giữ chân các nhà phát triển.
Vì vậy, ở nhiều nền tảng blockchain hiện nay đều có quỹ tài trợ dồi dào dành cho các nhà phát triển. “Chỉ cần họ mang ứng dụng của mình đến xây dựng trên chuỗi khối, chứng minh được tiềm năng thì họ sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ”, Julian Tan, Trưởng Bộ phận Tài trợ của Sei Foundation (tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy phát triển hệ sinh thái blockchain), cho biết.
Tuy nhiên, sự cởi mở của các nền tảng blockchain cũng gây lo ngại về việc các khoản tài trợ sẽ bị lợi dụng bởi các đối tượng chỉ đến với mục đích kiếm tiền, thay vì xây dựng ứng dụng trên đó để cùng phát triển. Điều này có thể dẫn tới việc bên nào có tài trợ nhiều hơn thì sẽ thu hút nhiều nhà nhà phát triển hơn.
Thừa nhận có tình trạng lợi dụng vốn sẽ xảy ra, nhưng đại diện của Aptos cho biết vẫn duy trì các khoản tài trợ như cũ, vì chúng vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái. Bởi các nền tảng blockchain khi thu hút dự án mới, các nhà phát triển cộng tác với mình sẽ không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính thông thường, mà còn các nguồn lực từ marketing đến công nghệ,... Vì vậy, đại diện Aptos cho rằng kể cả họ đến với mình vì khoản tài trợ, họ cũng sẽ ở lại khi có sự hỗ trợ toàn diện từ hệ sinh thái.
“Điều mà các nền tảng blockchain cần chú ý hơn cả là xây dựng môi trường phát triển phù hợp cho các ứng dụng sẽ thu hút được các nhà phát triển tài năng. Và khi có các nhà phát triển tài năng sẽ có những ứng dụng phi tập trung đủ đa dạng, đáp ứng mọi như cầu và từ đó cũng thu hút và giữ chân người dùng sẽ ở lại với mạng lưới đó”, Kevin Ang nói.