Không chỉ Vinfast, một loạt thương hiệu Việt sẽ có cơ hội làm ăn với các đại gia Trung Đông
(DNTO) - Sau Vinfast, các thương hiệu nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, tiêu dùng... của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn tiến vào thị trường Trung Đông - Châu Phi, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) được ký kết.
Cơ hội khai mở thị trường Trung Đông quy mô 2.000 tỷ USD
Ngày 28/10, tại đảo Bluewaters (Dubai), VinFast Auto đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu chính thức tại thị trường Trung Đông. Hãng cũng chính thức khai trương cửa hàng đại lý đầu tiên tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đặt tại khu vực trung tâm thành phố Dubai. Với tổng diện tích trên 1.000 m 2 , cửa hàng tích hợp xưởng dịch vụ với các mẫu xe điện VF 6, VF 7, VF 8, và VF 9.
Theo kế hoạch, các cửa hàng đại lý VinFast tiếp theo tại khu vực Trung Đông, bao gồm Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait, và Bahrain sẽ được khai trương ngay trong năm nay.
Cũng trong ngày 28/10, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) chính thức được kí kết, chỉ sau hơn 1 năm khởi động đàm phán, nhanh hơn rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA trước đây). Đây được xem là sự kiện lịch sử tạo đột phá cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông với quy mô 2.000 tỉ USD.
Theo Hiệp định CEPA, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Chia sẻ về những ngành hàng, lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CEPA, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nông sản, hàng tiêu dùng, thủy sản...
Cụ thể, thị trường UAE và Trung Đông có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal. Do vậy lợi thế từ giảm thuế sau CEPA sẽ giúp nhiều nông thủy sản Việt Nam như hạt điều, hạt tiêu và mật ong, tôm và cá... có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường này.
Lợi thế từ cắt giảm thuế quan của CEPA cũng sẽ giúp các mặt hàng dệt may, da giày, điện tử... những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE. Các sản phẩm từ gỗ và đồ gỗ cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể khi UAE là thị trường có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án bất động sản cao cấp với nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch hoá mua sắm của Chính phủ... từ đó tạo thuận lợi cho các động trao đổi đầu tư qua lại.
“UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Do vậy, thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Qatar và Kuwait cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á”, ông Diên nói.
Cơ hội đón vốn đầu tư từ các đại gia Trung Đông
Ngay sau khi ra mắt tại tại Dubai, VinFast tiếp tục hợp tác với Emirates Driving Company (EDC) - công ty đào tạo lái xe và an toàn đường bộ hàng đầu của Abu Dhabi. Theo thỏa thuận, đại gia Trung Đông EDC sẽ dẫn đầu một liên danh dự kiến đầu tư vào VinFast. Mục tiêu là gia tăng năng lực sản xuất xe điện trên toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính tại UAE, tập đoàn mẹ Vingroup cũng có thêm 3 văn kiện về việc hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu của UAE như thỏa thuận hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu với Tập đoàn Benya, thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn NMDC cung cấp vật liệu xây dựng và giải pháp kỹ thuật cải tạo đất biển, bảo vệ bờ biển, thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Abu Dhabi Port Group (ADPG) về phát triển hệ sinh thái logistics và hệ thống cảng biển.
Sáng nay 29/10, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Sheikh Hamed Bin Zayed Al Nahyan, Giám đốc Quỹ Đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA) với quy mô 830 tỷ USD từ UAE, bày tỏ mong muốn triển khai các dự án tại Việt Nam 'nhanh nhất có thể'.
UAE hiện sở hữu nhiều quỹ đầu tư quy mô lớn hàng đầu thế giới, bao gồm Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi với 853 tỷ USD (quỹ lớn thứ tư thế giới), Tập đoàn Đầu tư Dubai với 320,8 tỷ USD (thứ 12 thế giới), Công ty Đầu tư Mubadala với 276 tỷ USD (thứ 13 thế giới), Công ty Phát triển Abu Dhabi với 159 tỷ USD (thứ 16 thế giới), và Cơ quan Đầu tư Emirates với 87 tỷ USD (thứ 20 thế giới).
Vì vậy, không chỉ VinFast, nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng cũng có cơ hội đón dòng đầu tư lớn từ Trung Đông, thông qua hiệp định CEPA.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, UAE là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Vì vậy, tại CEPA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho UAE với mức độ cao hơn so với WTO và một số FTA khác trong một số lĩnh vực như dịch vụ khách sạn, nhà hàng; cho thuê tàu có kèm người điều khiển; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuỷ; dịch vụ đại lý hàng hải...
“Đây là những dịch vụ mà UAE có thế mạnh và có khả năng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực”, ông Diên nói.
Bên cạnh đó, Hiệp định CEPA cũng có 1 chương riêng về Hợp tác kinh tế, tập trung hợp tác trong các lĩnh vực như: du lịch, vận tải, các ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng... thông qua các hội nghị, hội thảo; trao đổi đoàn, chuyên gia, kỹ thuật viên và chuyên gia học thuật; đối thoại và trao đổi kinh nghiệm giữa khu vực tư nhân của các bên. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia của ta học tập kinh nghiệm, cũng như tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến từ UAE.
“Ngay khi chưa ký Hiệp định, Bộ trưởng nước bạn đã 2 lần dẫn đầu Đoàn các doanh nghiệp lớn nhất của UAE sang Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng và logistics. Hai bên đã quyết định thành lập ngay nhóm kỹ thuật để kết nối các doanh nghiệp của hai bên. Chúng tôi hy vọng các nỗ lực này sẽ sớm đạt được các kết quả hết sức cụ thể”, ông Diên nói.
UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).
Với 38 dự án FDI tổng trị giá 74,1 triệu USD, UAE hiện đứng thứ 52/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong khi Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại UAE với tổng vốn đăng ký 1,8 triệu USD.