Xuất khẩu phải tìm cách chơi cùng các ‘nhà giàu mới nổi’
(DNTO) - Bên cạnh các “anh lớn” như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... thì Brazil, Ấn Độ, UAE... là những thị trường mới tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu lớn mà hàng hóa Việt Nam cần tăng tốc để bước vào sâu hơn.
Bỏ ngỏ cả những thị trường dễ tính
Đóng góp cho hơn 190 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh sự phục hồi của các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, có sự gia tăng từ các thị trường mới như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á
Kết quả này có được nhờ nỗ lực đa dạng hóa thị trường kể từ khi dịch Covid-19, xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan xúc tiến thương mại cũng chỉ ra còn rất nhiều thị trường tiềm năng, có nhu cầu lớn mà hàng hóa Việt Nam có thể tiến vào, nhưng ta chưa khai thác hiệu quả.
Đơn cử như tại thị trường Brazil, đây là nền kinh tế Top 10 thế giới, thuộc nhóm G20 và là nước đi đầu trong Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur). Mặc dù Việt Nam hiện là đối tác lớn nhất của Brazil tại ASEAN, kim ngạch thương mại đạt 3,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 24% so với cùng kì năm trước, nhưng chủ yếu là ta nhập siêu từ thị trường này (Việt Nam xuất khẩu 1,14 tỷ USD sang thị trường này và nhập khẩu 2,35 tỷ USD).
Ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Peru và Suriname) cho biết Brazil là thị trường dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn. Đây cũng là thị trường dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn như những nước phát triển khác. Tuy nhiên, hiện chúng ta chủ yếu xuất khẩu dệt may, da giày, cao su, điện thoại và linh kiện, sắt thép, thủy sản vào thị trường này.
Peru cũng là thành viên trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã tham gia nhưng chúng ta chưa khai thác được hết tiềm năng của thị trường này. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch hai nước đạt 217 triệu USD, giảm 3% so với cùng kì; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Peru đạt 188,7 triệu USD, giảm 4%.
“Đây là thị trường mới so với chúng ta nhưng với Trung Quốc, họ đã đi rất lâu và nhiều rồi. Rất mong doanh nghiệp, địa phương quan tâm đẩy mạnh vào thị trường này”, ông Tỵ nói.
Hay thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo) với 2 tỷ người trên thế giới, chi tiêu toàn cầu cho thực phẩm Halal có thể đạt mức 1.900 tỷ USD vào năm 2030, cũng là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Châu Hải Vũ, Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty Cổ phần Consultech, cho biết nhóm hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Halal lớn như Trung Đông, UAE... chưa tạo được thương hiệu và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...
Bởi lẽ, với các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Halal vẫn là thị trường mới, văn hóa tiêu dùng, kinh doanh cũng có nhiều điểm khác biệt, yêu cầu giấy chứng nhận, tiêu chuẩn Halal cũng khắt khe. Do đó, doanh nghiệp vẫn chủ yếu xuất khẩu thị trường truyền thống, chưa chịu đầu tư và chủ động khai thác nhóm thị trường này.
Thị trường không chờ đợi
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng thừa nhận hàng hóa từ Việt Nam sang Nam Mỹ sẽ phải chịu chi phí logistics tăng cao do khoảng cách địa lý xa khiến. Ngoài ra, thuế nhập khẩu cũng cao do Việt Nam và Brazil chưa có hiệp định chung, cũng như phải chịu tác động từ các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường này.
Tuy vậy, nếu khai thác tốt thị trường Brazil, chúng ta có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường Nam Mỹ rộng lớn. Cộng đồng người Việt tại nước này rất mong muốn được hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để họ phát triển kinh doanh. Đây cũng là kênh để đưa hàng hóa Việt Nam vào Brazil và Nam Mỹ.
“Nên xúc tiến, đề nghị khởi động đàm phán FTA với khối Mecosure mà Brazil là thành viên lớn nhất. Nên nghiên cứu phát triển thị trường logistics với Brazil vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất ở Nam Mỹ, cả đường hàng không với hàng biển”, ông Tỵ kiến nghị.
Ông Bùi Trung Thướng, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện khoảng 15 tỷ USD, hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch lên mức 20 tỷ USD.
Ấn Độ hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới với nguồn sinh lực mạnh mẽ. Đây được coi là trung tâm mới của thế giới khi có thể hợp tác kinh doanh với Mỹ, Nga, Trung Quốc hay rất nhiều thị trường lớn. Việt Nam cần xác định vị thế chiến lược của Ấn Độ để có cơ chế hợp tác hiệu quả với thị trường này.
Về hợp tác kinh tế, hai bên hiện có khoảng 6-7 cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành. Trong đó Bộ Công thương có cơ chế hợp tác giữa hai thứ trưởng hai bên. Ngoài ra là các cơ chế hợp tác đa phương. Vì vậy hai bên cần tích cực hơn trng việc hợp tác và làm việc.
“Việc Ấn Độ mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn còn rất chậm, mới chỉ mở cửa cho sản phẩm thanh long. Mặc dù chúng ta đã đề nghị mở cửa cho nhiều mặt hàng khác, nhưng từ năm 2018 đến nay, đã 6 năm trôi qua vẫn vậy.
Với thị trường Ấn Độ, những chuyến thăm lãnh đạo 2 bên rất hiệu quả. Chúng ta đang khuyến nghị tổ chức chuyến thăm cấp cao, tuy nhiên trước khi chờ chuyến thăm cấp cao thì những chuyến thăm cấp bộ cũng rất quan trọng”, ông Thướng khuyến nghị.
Với thị trường Halal, chuyên gia Lê Châu Hải Vũ cho biết nhiều nước như Ả rập Xê Út, UAE... đang chuộng sản phẩm organic, sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe. Nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường này cần tìm hiểu và xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Halal được quy định ở mỗi thị trường. Chứng nhận Halal là tấm vé giúp sản phẩm có thể xuất khẩu thành công vào các nước có người Hồi giáo sinh sống.