Hàng tết dồi dào nhưng sức mua vẫn là 'ẩn số'
(DNTO) - Tết Dương lịch 2023 đã gần kề, ngay sau đó là Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đều đang tất bật chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, ai nấy đều phập phồng lo ngại khi sức mua vẫn có phần trầm lắng.
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng nông sản cung ứng cho thị trường Tết dồi dào không lo thiếu. Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, lượng thịt lợn tiêu thụ dịp Tết vào khoảng 320.000 - 330.000 tấn, gia cầm khoảng 150.000 - 160.000 tấn. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các sản phẩm chăn nuôi cho dịp Tết.
Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, gần 40 doanh nghiệp trong ngành đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ cao điểm Tết. Tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường gần 20.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bình ổn thị trường được ưu tiên tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, có thêm vốn lưu động cho sản xuất, dự trữ nguyên, vật liệu…
"Chúng tôi đã được hưởng giảm lãi suất, khoảng 1% cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Trong giai đoạn này, chúng tôi cần nguồn vốn để ổn định cho sản xuất và sau khi chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết các doanh nghiệp cũng đang lên phương án tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động, triển khai chương trình khuyến mãi sâu từ 30 - 50% vào những ngày giáp Tết, giúp người dân mua sắm với giá cả tốt nhất", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Tại các siêu thị, theo ghi nhận của Doanh Nhân Trẻ, thời điểm này, một số nơi đã rốt ráo dự trữ, tung hàng Tết. Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết để chuẩn bị cho dịp Tết 2023, doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Đặc biệt, do nguồn cung dồi dào và các hợp đồng mua hàng đều được triển khai từ sớm, nên giá cả dự báo không tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
“Người tiêu dùng thường có nhu cầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước Tết, chúng tôi lên kế hoạch trưng bày hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán từ 15/12/2022 tới 21/1/2023 (hơn 1 tháng trước Tết) để người dân có thể linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm mà vẫn không bị dồn vào những ngày cận Tết”, đại diện MM Mega Market nói thêm.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart, nhận định giá xăng dầu giảm nhiệt thời gian qua là cú hích để giá cả hàng hóa trong mùa mua sắm tết giảm. Từ đầu tháng 12, hệ thống WinMart/WinMart+ ghi nhận lượng người mua sắm tăng so với những tháng trước đó và doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nguồn hàng lớn từ mấy tháng trước, giá không biến động nhiều.
"Đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, chúng tôi chú trọng tăng 20% vào phân khúc các mặt hàng thiết yếu, trọng tâm cho dịp tết như rau củ quả, thịt... so với cùng kỳ, giá cả chúng tôi bảo đảm không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng khuyến mại giảm đến 50%", ông Tuấn cho biết.
Nín thở chờ sức mua
Ghi nhận thực tế cho thấy tình hình mua sắm của người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay vẫn chưa mấy cải thiện, ngay cả với sản phẩm thiết yếu khiến các doanh nghiệp cung ứng như ngồi trên đống lửa.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thừa nhận: “Trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì quả trứng lại được tiêu thụ tốt vì giá rẻ hơn so với các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, trong cơ cấu sản phẩm thì trứng tươi dành cho hộ gia đình chiếm khoảng 50 - 60%, song lại giảm mạnh trong thời gian gần đây, có thể vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm”.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
“Ảnh hưởng kinh tế chung khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể. Ước tính sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Vissan 9 tháng đầu năm 2022 giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ. Vì thế, để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, thực tế năm qua xuất khẩu tăng tốt, đầu tư công khởi sắc, nhưng GDP vẫn không tăng do chi tiêu dùng giảm mạnh. Thế nên, chiến lược cho năm 2023 là phải kích cầu, tăng chi tiêu, tăng mua sắm mới phục hồi tăng trưởng cho GDP được.
Do đó, cần thực hiện hai giải pháp. Về phía Chính phủ, tháo gỡ hết mức cho chi đầu tư công tăng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán hàng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Thu nhập tăng thì sức mua tự khắc sẽ tăng.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính cho doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện khó khăn trong vay vốn tái đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh bằng các chính sách tài khóa, giảm lãi vay, nới hạn mức, đơn giản các thủ tục buộc thế chấp mới vay được vốn...