Giấc mơ các trung tâm outlet tại Việt Nam
(DNTO) - Sản phẩm trong các trung tâm bán hàng outlet thường có giá rẻ hơn thị trường 30-70%, được kì vọng sẽ kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước. Nhưng việc xây dựng và vận hành các trung tâm này là quá trình dài hơi.
Hồi tháng 2, Hà Nội đề xuất bố trí hơn 811 ha để xây dựng các trung tâm outlet nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch và dịch vụ. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng tiết lộ Vụ này đang làm việc Cục Xúc tiến thương mại để bàn cách làm sao mở các cửa hàng outlet giống như các nước đã triển khai rất thành công.
“Việc này thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp, tiêu dùng như dệt may, thời trang, da giày…, những sản phẩm đẩy được ở những nơi quanh năm có hoạt động xúc tiến thương mại”, bà Nga cho hay.
Đề xuất phát triển các cửa hàng outlet tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang trở thành trụ đỡ quan trọng, khi 2 trụ đỡ còn lại của nền kinh tế như đầu tư công, xuất khẩu sụt giảm. Ngoài ra, các cửa hàng outlet vốn dĩ đã xuất hiện ở Hà Nội từ những năm 2012, nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Bởi theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, các cửa hàng kinh doanh outlet trước đây chỉ tập hợp 1-2 thương hiệu riêng lẻ, sản phẩm thiếu phong phú nên không đủ sức hấp dẫn và giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiểu sai về mô hình kinh doanh outlet theo hướng cửa hàng hay shop đồ lỗi mốt, kém chất lượng, khiến người dùng Việt rời xa các cửa hàng outlet.
Hàng outlet xuất hiện từ những năm 1930 tại Mỹ, để bán những sản phẩm bị lỗi cho nhân viên với giá rẻ, thay vì vứt đi uổng phí. Phương thức kinh doanh “win-win” này nhanh chóng trở thành mô hình kinh doanh hấp dẫn tại Mỹ với hơn 15.000 cửa hàng hiện tại, thu hút du khách nhiều hơn cả các điểm du lịch nổi tiếng, đem lại doanh thu hơn 16 tỷ USD vào năm 2003.
Hay tại Singapore, một đất nước không có nhiều tài nguyên và khu du lịch, nhưng mỗi năm đều thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch nhờ việc giữ chân họ tại các trung tâm mua sắm.
Các cửa hàng outlet trên khắp thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong du lịch của các quốc gia vì thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến vào các mùa giảm giá. Các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới cũng tìm đến nơi đây để trú chân, tìm cơ hội tiêu thụ hàng hóa.
Cửa hàng outlet một mặt giảm tổn thất đáng kể cho nhà sản xuất, đồng thời giúp người mua sở hữu sản phẩm chất lượng với mức giá giảm 30-70% so với thông thường. Với các khu vực, quốc gia, cửa hàng outlet vừa kích thích tiêu dùng, vừa tạo sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, để các trung tâm outlet tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, cần có một đề án cụ thể với một lộ trình xây dựng thương hiệu và vận hành chi tiết. “Cần xem xét quy mô như thế nào đủ tầm, tiêu chuẩn hàng hóa theo quy định Việt Nam hay quốc tế; xây dựng đội ngũ nhân lực, trình độ, vận hành ra sao…”, ông Phú nói.
Nhìn từ kinh nghiệm phát triển các trung tâm outlet trên thế giới cho thấy, để hoạt động và vận hành hiệu quả, các tâm outlet phải đảm bảo một số yếu tố sau:
Tính quy tụ: Các trung tâm outlet thường tập hợp hàng trăm thương hiệu nổi tiếng toàn cầu để đảm bảo phục vụ mục đích “một điểm đến” của khách hàng. Hay nói nôm na theo cách của người Việt là “buôn có bạn, bán có phường”. Việc phát triển lẻ tẻ các cửa hàng outlet sẽ không hiệu quả vì không thu hút được sự dừng chân của các thương hiệu, càng không thu hút được khách hàng vì sản phẩm kém đa dạng.
Tính chuyên nghiệp: Dù là các sản phẩm giảm giá nhưng không vì thế mà giảm chất lượng phục vụ so với các cửa hàng chính thức của thương hiệu. Bởi khách hàng sẽ cảm thấy không được tôn trọng, thậm chí có ánh nhìn không thiện cảm với các thương hiệu và trung tâm outlet.
Tính kết nối: Một trung tâm outlet để thu hút khách hàng không thể tách rời hệ sinh thái các khu du lịch, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống giao thông thuận lợi. Điều này giúp tăng sức hấp dẫn vì mỗi bên trong hệ sinh thái này có những lợi thế để thu hút khách hàng cho nhau.
Tính quản lý: Các trung tâm outlet cần có sự quản lý riêng bằng văn bản quy phạm pháp luật, về vận hành, chất lượng hàng hóa… để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp thương mại, các nhà sản xuất, thương hiệu và cả người tiêu dùng.